Nói nhỏ với tay đánh lưới người

LỜI TỰA
Không khó viết lời tựa cho quyển sách cổ điển quí báu về chức vụ Mục sư, Truyền đạo nầy, do một nhà thần học của Hội Thánh Trưởng Lão Tô Cách Lan, sanh tại thành phố Endinburgh ngày 19-12-1808, và về Nước Chúa cũng tại đó, ngày 31-7-1889. Ông thuộc về thế hệ trước, song quyển sách nhỏ nầy của ông thuộc về mọi thời đại, vì nó phù hợp với nhu cầu ngày nay, đúng như đã phù hợp với nhu cầu của Hội Thánh tại Kelson năm 1866 cũng như của Hội Thánh tại Edinburgh sau nầy.
            Horatius Bonar trước hết là “tay đánh lưới người”, mặc dầu còn là nhà truyền đạo đại tài và tác giả của vài bản thánh ca hay nhất. Ông đã được bầu làm Chủ tịch Đại Hội Đồng Hội Thánh mình.
            Khi chúng ta đọc sách ông luận về cách dắt đem kẻ khác về với Đấng Christ thì từ trang này đến trang khác, ta được nhắc cho nhớ bản thánh ca hay nhất của ông, mặc dầu ông soạn nhiều bản. Ông có thể nói rằng: “Chính tôi đã nghe Đức Chúa Giêxu phán”; vậy nên ông có thể viết bản thánh ca mở đầu bằng mấy lời ấy.
            Biết bao người đã được dẫn đưa đến Đấng Christ bởi lời mời tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa đó! Biết bao Cơ Đốc nhân đã nhờ ông mà lại dâng mình cho Chúa và Chủ mình, đã nhớ lại ngày họ bắt đầu kính mến Ngài và hát nơi bàn dự Tiệc Thánh: “Lạy Chúa, đây, tôi nhìn thấy Ngài mặt đối mặt!”
            Lời ông khuyên các tay đánh lưới người chẳng những thiêng liêng, thần thượng, thấu suốt tâm hồn, song còn có một điểm trọng yếu, là  cấp bách, như ông đã nêu rõ trong bản thánh ca trứ danh thứ ba: “Hãy đi tiếp tục làm việc, cho tới khi kiệt lực!” Câu thứ ba của bài nầy đáng phải viết làm khẩu hiệu trên bàn giấy mỗi vị Mục sư, Truyền đạo:
“Hãy đi làm việc đang khi còn ban ngày,
Đêm tối mịt trên thế giới đang bủ giăng.
Hãy làm việc gấp rút, đừng biếng nhác nữa,
Nếu biếng nhác, thì cứu linh hồn sao được?”
            Đây là quyển sách dành cho các tay đánh lưới người, chớ không dành cho kẻ đi dạo chơi ngoài đường phố, hoặc cho đám tôi tớ biếng nhác của Chúa. Sách nầy dò thấu tấm lòng, song cũng truyền cho can đảm mới mẻ để tiếp tục nhiệm vụ hằng ngày. Sách nầy do Hội Truyền đơn Mỹ Quốc (American Tract Society) ấn hành nhiều lần, nay rút ngắn một chút, theo lời yêu cầu.
            Có hai quyển sách thuật tả tỉ mỉ cuộc đời Horatius Bonar. Một là Horatius Bonar, một đài kỷ niệm, xuất bản năm 1899, còn một là Hồi ký của Tấn sĩ Horatius Bonar, do bà con viết (xuất bản tại Edinburgh năm 1909. Cả hai quyển có in hình ông ở ngoài bìa).
            Tôi nhớ lại khi còn niên thiếu, thường thấy một quyển sách trên bàn giấy của cha tôi (cách đây 60 năm), trong văn phòng ông ở thành phố Michigan, Ông luôn luôn có quyển sách ấy bên mình, ghi chú trên hầu hết mỗi trang. Quyển sách nhỏ nầy bìa da, mạ vàng, nhan đề: NÓI NHỎ VỚI TAY ĐÁNH LƯỚI NGƯỜI.

                                                                                                                        Samuel M. Zwemer
                                                                                                                        Thần khoa. Tấn sĩ
                                                                                                                                    (1867-1952)

Thành phố Nữu-ước
3, thánh 3, 1950


CHƯƠNG I
QUAN TRỌNG THAY MỘT CHỨC VỤ SỐNG


Một số ít Mục sư, Truyền đạo nhơn lành và sốt sắng sẽ công tác nhiều hơn muôn vàn Mục sư, truyền đạo hâm hẩm là dường nào!”
Trên đây là lời Oecolampachius, nhà cải chánh Thuỵ Sĩ, người đã được kinh nghiệm dạy dỗ, và chép lại kinh nghiệm ấy để giúp ích cho các Hội Thánh khác cùng các thời đại khác.
Chỉ thêm số người tự xưng là hầu việc Đấng Christ, thì không ích lợi bao nhiêu. Họ có thể chỉ là “những kẻ choán chỗ”. Họ có thể như A-can gây cho trại quân bị bối rối, hoặc như Giô-na khiến bão tố nổi lên. Dầu có tín điều lành mạnh, song vì cớ không tin, hâm hẩm biếng nhác và theo hình thức, nên có thể gây thương tổn cho chánh nghĩa Đấng Christ, không sao cứu vãn được, vì làm tê lạnh, tàn héo tất cả sự sống thiêng liêng ở chung quanh mình. Chức vụ hâm hẩm của người theo lý thuyết chánh thống thường lại tai hại cho các linh hồn nhiều hơn chức vụ của một người thô lỗ, không bền vững, hoặc quả đang theo tà giáo. Cecil nói: “Trên mặt đất, há có ai vô dụng và độc hại cho bằng Mục sư, Truyền đạo biếng nhác?” VÀ Fletcher nhận xét đúng rằng: “Mục sư, Truyền đạo hâm hẩm sẽ tạo nên những tín hữu bê bối”. Nếu gia tăng Mục sư, Truyền đạo thuộc hạng ấy tới bất cứ mức nào, thì có thể kể là một ơn phước cho dân tộc chăng?”
Khi mọi nhánh của Hội Thánh Đấng Christ trở lại gương xưa, theo bước chân của các sứ đồ, tìm cách cho hoá ra càng giống như bao nhiêu mẫu mực do Đức Thánh Linh soi dẫn, không để chút gì thuộc về trần gian phân cách với Đấng hằng sống, thì sẽ thận trọng chú ý lo sao những ai được giao phó trách nhiệm chăn giữ linh hồn, bất cứ có học hành, tài năng tới mức nào, cũng còn phải nổi bật lên vì thiêng liêng, sốt sắng, có đức tin và lòng yêu thương.
Khi so sánh Baxter với Orton, người chép tiểu sử của Baxter nhận xét rằng: “Baxter có thể làm cho thế giới bùng cháy, còn Orton chỉ đốt một que diêm”. Đúng biết bao! Nhưng không phải chỉ đúng cho Baxter Orton mà thôi. Hai ông nầy đại diện cho hai hạng người trong Hội Thánh Đấng Christ thuộc mọi thời đại và mọi nhánh đạo. Hạng thứ hai đông hơn bội phần: bạn có thể có hàng trăm Orton, mà chỉ hàng chục Baxter thôi, nhưng ai lại chẳng ưa thích một Baxter đơn độc hơn cả ngàn Orton?
Lòng thành thật bùng cháy của Baxter
Một người đương thời với Baxter nói rằng: Khi ông nói đến những vấn đề quan trọng của linh hồn, thì bạn có thể thấy chính thần linh ông dầm thấm trong đó”. Ông được Đức Chúa Trời ban phước cho thành công lạ lùng như vậy, nào có lạ gì. Khi ông giảng, thính giả có cảm giác rằng mình tiếp xúc với một người đang giảng luận những thực tại quan trọng vô cùng.
Đó là một trong các bí quyết cho Mục sư, Truyền đạo được hùng mạnh và thành công. Ai có thể nói rằng bao nhiêu tình trạng bất trung tràn đầy ngày nay không những do thiếu huấn luyện viên thiêng liêng và bởi có huấn luyện viên bất trung, hay dời đổi, song còn do sự nguội lạnh của nhiều kẻ nổi tiếng là lành mạnh trung tín. Người ta không khỏi cảm thấy rằng nếu Đạo Đấng Christ đáng giá phần nào, thì cũng đáng giá tất cả, nếu đạo Ngài đòi hỏi sốt sắng, nhiệt thành phần nào, thì cũng đòi hỏi sốt sắng, nhiệt thành tối đa; và không có gì thích đáng ở giữa chủ nghĩa vô thần liều lĩnh và mực sốt sắng tuyệt đối vì đạo Chúa. Người ta có thể không thích, ghét bỏ, chế giễu, bắt bớ những ai sốt sắng như vậy, song lương tâm luôn luôn nhắc nhở họ rằng nếu có Đức Chúa Trời và Đấng Cứu Thế, Thiên đàng và Hoả ngục, thì bất cứ tình trạng nào thua sút đời sống cùng niềm thương ấy, cũng chỉ là giả hình, bất lương, thề dối!
Như vậy, bài họ học được do các bài giảng “chết” của giới Mục sư, Truyền đạo mà ta nói đó chính là: Vì những vị ấy chẳng tin các giáo lý mà mình giảng dạy, nên kẻ nghe họ cũng chẳng cần tin. Nếu Mục sư, Truyền đạo chỉ tin các giáo lý ấy vì nhờ đó mà sinh sống, thì tại sao những ai chẳng dùng giáo lý ấy làm việc chi lại phải ngần ngại mà không chối bỏ phứt đi?
Roland Hill nói: “Giảng dạy khinh suất thì làm cho chán ngán; giảng dạy nhút nhát thì làm cho những linh hồn đáng thương mau ngủ gục; giảng dạy mạnh dạn là sự giảng dạy duy nhất mà Đức Chúa Trời công nhận.”
Chẳng phải chỉ có đức tin không lành mạnh hoặc trễ nải phận sự, hoặc đời sống công khai thích đáng, mới làm hư hỏng Mục sư,  Truyền đạo và làm tàn diệt linh hồn. Trong tín điều hoặc hành vi, Mục sư, Truyền đạo có thể không có chút gì làm cho ai vấp phạm, song lại vẫn là trở lực rất trầm trọng trên đường hạnh phúc thiêng liêng của tín hữu. Ông có thể là một cái bể khô khan, trống rỗng, mặc dầu theo chánh giáo. Chính lúc nói đến con đường sự sống, ông có thể làm cho sự sống tê lạnh hoặc tàn héo. Dầu khi tuyên cáo Thập tự giá bằng lời nói, ông vẫn có thể xua đuổi người ta xa Thập tự giá. Dầu khi theo hình thức bề ngoài mà giơ tay chúc phước cho bầy chiên, ông vẫn có thể ngăn cản họ nhận được phước lành. Cùng những lời nói, nếu phát ra từ môi miệng nhiệt thành, thì như giọt mưa rơi xuống, hoặc như sương móc; song phát ra từ môi miệng ông, thì như tuyết hoặc mưa đá, làm tê lạnh lòng sốt sắng thiêng liêng và làm tàn héo tất cả sự sống thiêng liêng. Biết bao nhiêu linh hồn đã hư mất vì nhà Truyền đạo thiếu sốt sắng, thiếu long trọng và thiếu yêu thương, ngay cả khi ông thốt ra những lời quí báu, chân thực!

Mục đích duy nhất của chúng ta: Dẫn dắt
nhiều linh hồn về với Chúa.
Ta chắc rằng mục đích của Mục sư, Truyền đạo là làm cho tội nhân hối cải và gây dựng thân thể Đấng Christ. Không một Mục sư, Truyền đạo nào có thể yên nghỉ nếu chưa đạt tới mục đích ấy. Hoan hô, dnah tiếng, đắc nhân tâm, danh vọng, giàu có, - mọi sự đó chỉ hư không. Nếu không dẫn dắt được nhiều linh hồn về với Chúa, nếu các thánh đồ không đạt tới bậc thành nhân thì chính chức vụ của chúng ta chỉ là hư không.
            Vậy câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải trả lời cho chính lương tâm mình là: Cứu kẻ bị hư mất và dắt dẫn người được cứu có phải là mục đích của chức vụ tôi và là nhiềm mong ước trong lòng tôi chăng? Đó có phải mục tiêu của tôi trong mỗi bài giảng và trong mỗi cuộc thăm viếng của tôi chăng? Có phải tôi luôn luôn sống, đi và nói theo ảnh hưởng quan cảm ấy chăng? Có phải vì đó mà tôi cầu nguyện, làm việc khó nhọc, kiêng ăn khóc lóc chăng? Có phải vì đó mà tôi dâng mình trọng vẹn và tiêu hao sức lực, bởi cớ cho rằng sau sự cứu rỗi linh hồn mình, niềm vui lớn nhất của tôi chính là được Chúa dùng cứu kẻ khác chăng? Có phải vì đó mà tôi ở đời nầy chăng? Tôi có vui lòng chết để làm trọn việc đó chăng? Tôi đã thấy nhờ tay mình mà thánh ý của Chúa được thành đạt chăng? Tôi có thấy nhiều linh hồn nhờ chức vụ của tôi mà trở lại cùng Chúa chăng? Con cái của Đức Chúa Trời có nhờ môi miệng của tôi mà được bổ sức, rồi cứ hoan hỉ đi đường chăng?
            Hay là tôi thấy công khó của mình chẳng có kết quả chút nào và cứ thoả mãn mặc dầu vẫn không được Chúa ban phước? Phải chăng tôi hài lòng vì giảng dạy, mặc dầu không biết có gây được ấn tượng khả dĩ cứu người ta, hoặc có thức tỉnh được tội nhân nào?!
Nếu không tích cực thành công thì chẳng gì có thể làm thoả lòng tôi tớ chân chánh của Đấng Christ. Các kế hoạch của ông có lẽ tiến hành hoàn hảo, máy móc ngoại tại của ông có lẽ điều hành đều mực, song nếu chẳng thật có kết quả cứu được linh hồn, thì ông nên kể mọi sự đó là hư không. Quan cảm của ông phải là: “Hỡi các con, vì các con mà ta chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con” (Gal 4:19): Chính quan cảm đó sẽ làm cho ông thành công.
Owen nói: “Nếu mục sư, truyền đạo chẳng luôn luôn nhằm mục đích giúp cho tội nhân hối cải, thì họ ít khi được thành công”. Ông chắc chắn sẽ thành công nếu nhất quyết rằng nhờ sức mạnh và ơn phước của Đức Chúa Trời, mình sẽ chẳng bao giờ yên nghỉ trong trường hợp chưa thành công. Ai đắc thắng? – Chính là người nào đã quyết định đương đầu với mọi nỗi khó khăn, đã tính hết giá phải trả, và nhìn vào giải thưởng, đã quyết định chiến đấu cho đến khi chiếm được.
Sự hờ hững trì độn của thời trước đã qua rồi. Satan đã tích cực xông vào chiến trường, hãy giao tranh với nó mặt đối mặt là tốt nhất. Vả lại, lương tâm của người ta thật bực bội. Đức Chúa Trời dường như giao chiến với họ tới cường dộ y như trước nạn Nước Lụt. Hơi thở của Thánh Linh Đức Chúa Trời đã thổi qua đất, do đó, thời đại nầy có tính cách quan trọng, và cần phải cải thiện nó cho tới khi nó mãn.
Chính Đấng Christ là mục đích chân thực duy nhất, hoặc nơi yên nghỉ, tại đó nghi ngờ, mòn mỏi, nọc độc của lương tâm châm chích, niềm ước mong của linh hồn chưa thoả mãn, đều được lắng dịu hơn hết thảy. Không phải Hội Thánh, mà là Đấng Christ. Không phải giáo lý, mà là Đấng Christ. Không phải hình thức, mà là Đấng Christ. Không phải nghi lễ, mà là Đấng Christ. Đấng Christ là Thần nhân, phó mạng sống để cho chúng ta được sống, đóng ấn giao ước đời đời, và nhờ Huyết Ngài đổ ra trên thập tự giá, mà cho chúng ta được phục hoà với Đức Chúa Trời. Đấng Christ là Kho thần thượng chứa tất cả ánh sáng và chân lý “trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu và thông sáng” (Côl 2:3). Đấng Christ là Bình vô hạn lượng, đầy dẫy Đức Thánh Linh, Đấng soi sáng, Giáo sư, Đấng làm sống động, Đấng yên ủi, hầu cho “Bởi sự đầy đủ của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn” (Giăng 1:16). Chỉ có Đấng Christ là nơi ẩn náu linh hồn bị khuấy rối, là Vầng Đá cho linh hồn ấy xây dựng lên trên, là Nhà cho linh hồn ấy cư ngụ tới chừng nào tên đại cám dỗ bị xiềng xích và mỗi cuộc giao tranh kết liễu trong toàn thắng.
Lấy chân lý đương đầu với “ý kiến”.
Trong thời đại hiện tại, người ta khoe khoang về “ý kiến nhiệt thành”, nhưng chẳng bao lâu nó hoá ra thuốc độc. Vậy ta phải đối phó với nó bằng Tin Lành của ân điển Đức Chúa Trời, - duy Tin Lành nầy có thể hạ cơn nóng sốt của nó và làm cho nó lắng dịu, yên lành. Mọi sự khác chỉ là thuốc làm cho bớt đau, chất ma tuý, thuốc lang bâm; còn Tin Lành là thuốc Thần thượng, là phương cứu chữa duy nhất, mau lẹ, đời đời. Ta chẳng nên dùng “ý kiến” đương đầu với “ý kiến”, song phải vận dụng Chân lý của Đức Chúa Trời. Phải sử dụng lưỡi “gương của Đức Thánh Linh” (Êph 6:17) để đối địch với lý thuyết loài người (mà họ kiêu căng gọi là “ý kiến”), nhờ đó khiến họ cảm thấy mình đang ‘dệt’ những nguỵ biện và dại dột như váng nhện làm cho chính mình bị vướng mắc và tàn diệt.
Loài người không cần ý kiến, nhưng cần “Chân lý”, không cần thần học, nhưng cần Đức Chúa Trời, không cần tôn giáo nhưng cần Đấng Christ. Không cần văn chương, khoa học nhưng cần biết lòng yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời, khi Ngài ban Con độc sinh.
Richard Baxter nói: “Tôi chẳng biết kẻ khác nghĩ gì, song về phần mình, tôi xấu hổ vì ngu dại, và tự lấy làm lạ vì không đối xử với linh hồn kẻ khác như một người chờ đợi ngày trọng đại của Chúa; vì tôi có thể dành chỗ cho hầu hết mọi ý n ghĩ và lời nói khác; vì những vấn đề kỳ diệu dường ấy lại không chiếm hết tâm trí tôi. Tôi ngạc nhiên tại sao mình có thể giảng luận những vấn đề ấy một cách nhẹ yếu và lạnh lẽo; tại sao tôi có thể để mặc người ta trong tội lỗi; tại sao tôi không đến cùng họ, nài nỉ họ vì cớ Chúa, hãy ăn năn, bất cứ họ phản ứng thế nào và bất cứ làm như vậy, tôi phải chịu đau đớn hoạn nạn chừng nào.
“Ít khi tôi dời khỏi toà giảng mà không bị lương tâm cáo trách là chẳng nghiêm trang và nhiệt thành hơn. Lương tâm không buộc tội tôi nhiều vì thiếu văn hoa và thanh nhã, hoặc vì thốt ra một lời không đẹp; song lương tâm hỏi tôi: Tại sao anh có thể nói đến sự sống và sự chết với một tấm lòng như vậy? Tại sao anh có thể giảng về Thiên đàng và Hoả ngục một cách cẩu thả và buồn ngủ như vậy? Anh có tin lời mình nói chăng? Anh nói thật hay nói chơi? Tại sao anh có thể bảo người ta rằng tội lỗi là kinh khiếp lắm, rằng có khổ nạn biết bao ở trên họ và trước mặt họ, mà anh lại chẳng xúc cảm hơn? Anh há chẳng nên khóc vì những người đó, và tiếng khóc há chẳng nên ngắt lời giảng của anh sao? Anh há chẳng nên kêu to lên, tỏ cho họ thấy tội lỗi của họ, và khuyên giục, nài nỉ họ, dường như là một vấn đề sống chết sao?
“Quả thật đó là hồi chuông lương tâm khua vang dội bên tai tôi, song linh hồn ngủ mê của tôi vẫn chưa thức dậy. Ôi! Tai hại thay là tấm lòng vô cảm và cứng cỏi. – Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi khỏi sự bất trung và cứng cỏi, giống như dịch lệ, bằng không, chúng tôi làm sao trở thành dụng cụ thích ứng để cứu kẻ khác được? Ôi! Xin thi hành trên linh hồn chúng tôi những gì Ngài muốn dùng chúng tôi thi hành trên linh hồn kẻ khác!
CHƯƠNG II
ĐỜI SỐNG VÀ HÀNH VI CHÂN CHÁNH
CỦA MỤC SƯ TRUYỀN ĐẠO

Mục sư, truyền đạo chân chính phải là Cơ Đốc nhân chân chính. Trước khi có thể kêu gọi kẻ khác đến cùng Đức Chúa Trời, chính ông phải được Ngài kêu gọi. Sứ đồ Phao-lô minh xác vấn đề ấy như thế nầy: “Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hoà thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hoà cho chúng ta” (II Cô-rinh-tô 5:18). Trước hết, họ được phục hoà, rồi họ được giao cho chức vụ phục hoà. Chúng ta có phải là những Mục sư, Truyền đạo đã được phục hoà với Đức Chúa Trời chăng? Ai muốn dắt dẫn kẻ khác về phần thiêng liêng, thì chính mình phải biết con đường cứu rỗi trước đã; đó chỉ là điều hợp lý. Người ta thường nói: “Con đường lên thiên đàng bị lấp bởi bọn giáo sư chết”. Nhưng há chẳng quả thật rằng không phải chỉ có thuộc viên Hội Thánh dự phần lấp đường sầu não ấy? Chúng ta hãy coi chừng chính mình!
            Vì theo nhiều phương diện, cuộc đời Mục sư, Truyền đạo là cuộc đời của một chức vụ, nên chúng ta hãy nói một vài lời về đời sống thánh khiết của Mục Sư, Truyền đạo.
Chúng ta hãy tìm kiếm Chúa sớm. Có người nói: “Nếu lòng tôi sớm được gia vị bằng Hiện diện Ngài, thì suốt ngày nó sẽ toả ra hương vị của Ngài”. Hằng ngày chúng ta hãy gặp Đức Chúa Trời trước khi gặp loài người. Ông McCheyne nói: “Tôi phải cầu nguyện trước khi gặp bất cứ ai. Thường khi tôi dậy trễ hoặc gặp kẻ khác rất sớm, rồi nhóm gia đình cầu nguyện, ăn điểm tâm, tiếp khách buổi sáng, và đến 11 hoặc 12 giờ trưa mới cầu nguyện riêng. Đó là phương thức đáng thương hại. Nó chẳng đúng theo Kinh Thánh. Đấng Christ thức dậy trước khi trời sáng, đi vào nơi vắng vẻ… Vì dậy trễ, gia đình cầu nguyện mất nhiều sức mạnh, hương thơm, và tôi không thể giúp ích chút nào cho những người dến tìm kiếm tôi. Lương tâm cảm thấy mắc tội, linh hồn không được nuôi nấng, ngọn đèn không được cắt tim. Đoạn, khi tới giờ cầu nguyện riêng buổi trưa thì linh hồn thường không đúng điệu. Tôi cảm thấy tốt hơn bội phần là bắt đầu với Đức Chúa Trời, là thấy mặt Ngài trước nhất, là đem linh hồn tôi đến gần Ngài trước khi đi đến gần người nào khác…
Tốt hơn hết là có ít nhất một giờ ở riêng với Đức Chúa Trời trước khi làm bất cứ việc gì. Đồng thời, tôi phải thận trọng, không tính mối tương giao với Đức Chúa Trời bằng phút, hoặc bằng giờ, hoặc bằng sự cô tịch.
Hãy nghe lời tôi tớ trung thành Đấng Christ đã khuyên giục một anh em yêu dấu: “Anh hãy tự coi chừng mình. Anh phải chăm lo linh hồn trước nhất và nhiều nhất. Anh biết đó, chỉ thân thể lành mạnh mới có thể làm việc hăng hái; còn linh hồn muốn làm việc hăng hái, thì lại càng phải lành mạnh. Hãy nhờ Huyết Chiên Con giữ cho lương tâm trong sạch. Hãy duy trì mối tương giao thân mật với Đức Chúa Trời. Hãy học tập giống như Ngài trong mọi sự. Hãy đọc Kinh Thánh cho chính mình lớn lên trước nhất, rồi sau mới cho tín hữu trong chi hội mình.”
Người chép tiểu sử của McCheyne viết: “Với ông, khởi điểm của mọi công tác bao giờ cũng là chuẩn bị chính linh hồn mình. Trước khi đi thăm viếng hằng ngày, ông một mình bình tĩnh tu dưỡng đạo đức suốt mấy giờ buổi sáng. Bốn bức tường phòng ông làm chứng ông siêng năng cầu nguyện; tôi tin rằng nó cũng chứng kiến ông đổ nước mắt và khóc lóc. Tiếng đọc Thi thiên thích thú thường phát ra từ phòng ông lúc sáng sớm; sau đó ông đọc Kinh Thánh cho chính mình được nên thánh. Ít người nhận thức đầy đủ ơn phước trong Thi thiên 1 như ông”.
Nguyện hết thảy chúng ta được như vậy; Giám mục (Tin – lành ) Hall nói: “Tu dưỡng đạo đức là sự sống Cơ Đốc giáo, là linh hồn của sự tin kính, là sự sử dụng ân điển đến mức tối cao”. Rất đáng sợ rằng “chúng ta yếu đuối trên toà giảng vì đã yếu đuối trong phòng riêng”.
Đồng đi với Đức Chúa Trời”
Ông Coleridge viết: “Để khôi phục vẻ rực rỡ phi thường cố hữu của một chân lý đã hoá ra tầm thường, vô vị, bạn chỉ cần biến nó thành hành động”. Đồng đi với Đức Chúa Trời là một chân lý rất tầm thường, vô vị. Hãy biến chân lý ấy thành hành động, ắt nó sẽ rực rỡ biết bao! Thành ngữ nầy tầm thường biết bao! Nhưng hành động nầy lại hiếm hoi biết bao! Chúng tôi mời độc giả ngắm xem bước đồng đi ấy, - không phải một lý tưởng trừu tượng, mà là một cá tánh, một cuộc đời. Ôi! Nguyện chúng ta sốt sắng, đứng đắn bắt tay làm công việc biến hoá hiếm hoi nầy!
John Berridge là người cương nghị, tin kính và thành công; có lời nói về ông rằng: “Trong giai đoạn cuối cùng của chức vụ, ông đã thể hiện mối tương giao với Đức Chúa Trời. Quả thật, mối tương giao ấy là món ăn, nước uống của ông, là bữa tiệc mà ông không bao giờ có vẻ đứng dậy khỏi đó”. Lời nầy tỏ cho ta thấy nguồn sức mạnh lớn lao của ông. Nếu chúng ta ngồi dự tiệc ấy luôn, thì chẳng bao lâu, có thể chép về chúng ta cũng như về ông rằng: “Năm thứ nhất, đã có chừng một ngàn người đến thăm ông vì chịu cảm động sâu xa”.
Hãy nghiên cứu người giảng,
Chớ nghiên cứu bài giảng.
Nếu có ai hỏi: “Nhờ đâu mà các ông ấy thành công”, thì chúng ta phải khiến ai đó nhìn vào con người các ông ấy, chứ không nhìn vào giáo lý của họ. Tại sao chúng ta không thể thành công y như vậy? Ta có thể lấy các bài giảng của Whitefield, hoặc Berridge, hoặc Edward, để nghiên cứu hoặc làm mẫu, song ta cốt phải đặt chính con người của họ trước mặt mình. Nếu khao khát một chức vụ hùng mạnh và đắc thắng như chức vụ họ, chúng ta phải dầm thấm tinh thần họ hơn là dầm thấm tinh thần của công việc họ. Họ là những người thiêng liêng, và đồng đi với Đức Chúa Trời. Chính là mối tương giao sống động với Cứu Chúa hằng sống biến cải chúng ta  ra giống hình ảnh Ngài, và cho ta đủ tư cách làm Mục sư, Truyền đạo Tin Lành thành công.
Không có mối tương giao ấy, thì chẳng điều chi khác hữu ích. Không có nó, thì dầu chánh giáo, học thức, hùng biện, sức mạnh lý luận, sốt sắng, nhiệt tâm, cũng chẳng làm nên việc gì. Chính nó làm cho lời ta nói có quyền năng và lý luận của ta có sức thuyết phục; nó khiến lời nói và lý luận ấy thành ra như thuốc thơm của xứ Ga-la-át cho thần linh bị thương, hoặc như mũi tên nhọn của dũng sĩ bắn vào lương tâm kẻ loạn nghịch có tấm lòng cứng cỏi. Dường như có hiệu lực phát ra từ những ai đồng đi với Đức Chúa Trời trong sự giao thiệp thánh khiết, hạnh phước. Dường như hương thơm ơn phước bao quanh họ bất cứ họ đi đến đâu. Gần gũi Đức Chúa Trời, thân mật với Ngài và đồng hoá tâm tánh Ngài, - đó là những yếu tố của một chức vụ Mục sư, Truyền đạo có quyền năng.
Khi chúng ta có thể nói với tín hữu rằng: “Chúng tôi đã ngắm xem vinh hiển của Ngài, nên mới nói đến vinh hiển ấy. Chúng tôi không nói theo điều nghe được, song đã thấy Vua trong vẻ tốt đẹp của Ngài”. Chúng ta đứng ở địa vị cao quí biết bao! Sức mạnh của chúng ta để kéo kẻ khác đến cùng Đấng Christ phần lớn phát xuất từ niềm vui mừng đầy đủ mà mình có trong Ngài và từ mối tương giao gần gũi của riêng mình với Ngài. Vẻ mặt nào phản chiếu Đấng Christ nhiều nhất, sáng chói lòng yêu thương và ân điển Ngài nhiều nhất, thì có xư cách nhiều nhất để làm cho mắt người thế gian, vốn khinh tuất, nhẹ dạ, phải chú ý đến; để cứu được những linh hồn xao xuyến khỏi sức ếm chú của lòng yêu mến vật thọ tạo và vẻ đẹp vật thọ tạo. Chức vụ Mục sư, Truyền đạo có quyền năng phả là kết quả do thân mật với Chúa một cách thánh khiết bình tĩnh, kính mến.

Trung tín cần thiết cho thành công.
Luật pháp của sự chân thật đã ở  trong miệng nó, trong môi miệng nó chẳng có một sự không công bình nào; nó đã bước đi với Ta trong sự bình an và ngay thẳng, làm cho nhiều người xây bỏ khỏi sự gian ác” (Ma-la-chi 2:6). Chúng ta hãy xem xét mối liên quan mà đây tuyên bố là có giữa lòng trung tín và mức thành công trong chức vụ Mục sư, Truyền đạo; giữa cuộc đời thánh khiết và sự “làm cho nhiều người xây bỏ khỏi sự gian ác”. Như chúng ta đã tuyên bố lúc thụ phong, mục đích đầu tiên của chúng ta khi bước vào chức vụ chính là cứu vớt nhiều linh hồn; mục đích vì đó chúng ta còn sống và làm việc cũng là như vậy; Phương pháp đạt tới mục đích ấy là đời sống thánh khiết và trung tín làm trọn chức vụ của mình.
Mối liên quan giữa hai sự kiện nầy vừa chặt chẽ, vừa vững chắc. Chúng ta có quyền dựa vào đó mà toan tính. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta cầu nguyện và làm việc, với niềm tin cậy, trông đợi rằng mối liên quan ấy sẽ thực hiện. Nếu không có, chúng ta phải tự xét, e rằng nguyên nhân thất bại lại thấy ở chính mình chăng, tức là vì ta thiếu đức tin, yêu thương, cầu nguyện, hăng hái, sốt sắng, thiêng liêng và đời sống thánh khiết; bởi chưng những cái đó thiếu, nên Đức Thánh Linh buồn rầu mà bỏ đi. Có thể đạt tới thành công; có thể mong ước thành công; Đức Chúa Trời hứa cho thành công. Đối với linh hồn một Mục sư,  Truyền đạo trung tín, không có gì ở thế gian cay đắng cho bằng chẳng thành công. Kinh Thánh tuyên bố rằng đồng đi với Đức Chúa Trời và trung tín với chức vụ chính là con đường chắc chắn thành công. Ôi! Biết bao nhiêu điều tuỳ thuộc đời sống thánh khiết, tâm tánh bền vững, hành vi và đàm thoại hướng về Thiên đàng!
Vì cớ địa vị của mình, chúng ta không thể nào cứ “trung lập”. đời sống ta không thể nào lờ mờ, vô hại. chúng ta phải hoặc xô linh hồn đi, hoặc kéo linh hồn đến, - hoặc cứu vớt họ, hoặc huỷ diệt họ! Vậy nên lớn lao thay là tiếng kêu gọi, mạnh mẽ thay là cớ tích phải thiêng liêng trong linh hồn và thận trọng trong đời sống! Long trọng thay là lời cảnh cáo chớ có tinh thần ham mến thế gian, chớ tự mãn, nhẹ dạ, phù phiếm, biếng nhác, trễ nải và chớ theo nghi thức lạt lẽo!
Trong cả mọi người, ông Mục sư, Truyền đạo được đặc biệt kêu gọi đồng đi với Đức Chúa Trời. Mọi sự tuỳ thuộc điều ấy: nào niềm vui mừng và bình an của ông, nào phần thưởng tương lai của ông khi Chúa ngự đến. Nhưng đặc biệt là Đức Chúa Trời chỉ vào điều ấy như là phương pháp đích thực và chắc chắn để được phước. Đó là bí quyết cao đại cho Mục sư, Truyền đạo được thành công.
Chương III
CÁC KHUYẾT ĐIỂM QUÁ KHỨ

            “Ồ Đức Chúa Trời tôi! Tôi hổ ngươi thẹn mặt, chẳng dám ngước mặt lên Ngài… Hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! Sau những điều đó, chúng tôi sẽ nói làm sao?”
                                                                                                                        (E-xơ-ra 9:6,10)
            GIẢNG MỖI CHÚA NHẬT, ban tiệc thánh theo qui tắc, thỉnh thoảng đi thăm viếng những ai yêu cầu, dự các cuộc nhóm họp tôn giáo, - chúng tôi e sợ rằng chừng đó tóm tắt đời sống và chức vụ của muôn vàn Mục sư, Truyền đạo, theo chức nghiệp vốn là kẻ chăn bầy của Đấng Christ. Thi hành chức vụ 30, 40 hoặc 50 năm, thường cũng chẳng có kết quả nhiều hơn chừng đó. Bao nhiêu bài giảng, bao nhiêu báp-têm, bao nhiêu bí tích, bao nhiêu cuộc viếng thăm, bao nhiêu buổi nhóm họp đủ loại, - đối với nhiều người, đó là tất cả biên niên sử của Mục sư, Truyền đạo, tất cả hồ sơ của chi hội, TẤT CẢ cuộc đời phục vụ! Quyển sổ ấy không thể ghi chép những linh hồn nào đã được cứu!
            Muôn vàn người đã hư mất dưới chức vụ Mục sư, Truyền đạo dường ấy; chỉ có ngày phán xét mới tỏ ra đã có tới một linh hồn được cứu chăng. Có thể có học thức, song không có “cái lưỡi của người được dạy dỗ (hoặc: Người học thức) hầu cho ta biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ mệt mỏi” (Êsai 50:4). Có thể có khôn ngoan, song chắc không pahri sự “khôn ngoan có tài được linh hồn người ta” (Châm ngôn 11:30). Thậm chí có thể có âm thanh của Tin Lành, song dường như chẳng có tin tức, vui mừng chi hết; Tin Lành không từ môi miệng nhiệt thành vang dội vào lỗ tai sửng sốt, như là sứ điệp sự sống đời đời – “Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phước” (I Tim 1:11). Người ta sống đó, nhưng Mục sư, Truyền đạo không hề hỏi họ rằng họ đã được tái sanh chưa? Người ta lâm bịnh, mời Mục sư, Truyền đạo đến, và trên giường chết, họ được ông cầu nguyện cho như cấp giấy thông hành vào Thiên đàng. Người ta qua đời, và được an táng tại nơi đã an táng hết thảy tổ tiên mình. Trong tang lễ của họ, có cầu nguyện và tỏ niềm cung kính hợp thức đối với thi hài họ; song linh hồn họ đi thẳng đến toà phán xét, không được ai nghĩ tới, không được ai lo tới. Chẳng một ai, kể cả Mục sư, Truyền đạo là người hứa nguyện canh giữ họ, đã nói với họ: “Bạn sẵn sàng chưa?” Hoặc đã cảnh cáo họ hãy “tránh khỏi cơn giận ngày sau” (Ma-thi-ơ 3:7).
            Lời mô tả trên đây há chẳng quá thiết thực đối với nhiều khu vực và nhiều vị Mục sư, Truyền đạo? chúng tôi không tức giận hoặc khinh dể mà nói; song chúng tôi long trọng và nhiệt thành hỏi câu ấy. Cần trả lời. Nếu có lúc nào phải “cẩn thận dò xét lòng mình” và thành thật nhìn nhận mình không trung tín, thì chính là lúc nầy, lúc Đức Chúa Trời thăm viếng chúng ta vừa bằng sự phán xét, vừa bằng lòng thương xót. Chúng tôi nói với niềm nhân ái huynh đệ; chắc câu đáp lại sẽ chẳng do giận dữ và cay đắng. Nếu lời mô tả nầy là đúng, xin hỏi có tội lỗi nào trong các Mục sư, Truyền đạo và tín hữu? Cảnh hoang vu thiêng liêng đang lan tràn  rộng lớn biết bao! Trong trường hợp ấy, chắc có một điều gì sai hỏng nặng nề; một điều đòi hỏi mỗi vị Mục sư, Truyền đạo phải long trọng  tự xét mình; một điều đòi hỏi phải ăn năn sâu xa.
Chức vụ không kết quả là một thảm kịch
            Đồng ruộng đã cày và gieo giống nhưng không kết quả! Máy móc luôn luôn chạy, song hết thảy chẳng sản xuất được mảy may! Lưới thả xuống biển và căng rộng, mà chẳng có cá nào bị mắc! Cứ như vậy trải qua bao nhiêu năm, cho đến suốt đời! Kỳ lạ thay! Nhưng thật vậy. Trong vấn đề nầy, chẳng có gì tưởng tượng hoặc phóng đại. Hãy hỏi một số Mục sư, Truyền đạo, xem các vị ấy có thể đưa ra bản phúc trình nào khác chăng? Các vị ấy có thể nói đến những bài đã giảng song không thể nói đến những bài giảng được phước. Có thể nói đến những diễn văn được ngưỡng mộ và ngợi khen, song không thể nói đến những diễn văn đã được Đức Thánh Linh làm cho hữu hiệu. Có thể nói cho anh em biết bao nhiêu người đã chịu báp-têm, bao nhiêu người được dự Tiệc Thánh, song không thể kể ra những linh hồn đã được tỉnh thức, hối cải, chín mùi trong ân điển. Có thể kể ra mình đã ban bao nhiêu bí tích, song không thể nói chừng nào trong số đó đã là “thì giờ tươi mới” hoặc thì giờ tỉnh thức. Có thể nói bao nhiêu trường hợp sửa trị đã qua tay mình và áp dụng như thế nào; song không thể thông báo hoặc có trường hợp nào đã đưa tới kết quả, là “buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 7:10) vì cớ tội lỗi chăng, hoặc mấy kẻ tự nhận ăn năn và nhờ sự sửa trị ấy mà được tha thứ có chứng tỏ là được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi” (I Cô-rinh-tô 6:11) chăng. Các vị ấy không hề nghĩ tới một kết quả như vậy!
            Các vị ấy có thể nói bao nhiêu người học trường Chúa nhật, và giáo sư có những khả năng gì; song lại chẳng biết trong số con trẻ quí báu mà mình đã hứa nguyện nuôi nấng linh hồn, có bao nhiêu em đang tìm kiếm Chúa; và cũng không thể nói rằng giáo sư của chúng có phải người tin kính và hay cầu nguyện chăng. Các vị ấy có thể nói cho bạn biết dân số giáo khu, tổng số tín hữu, hoặc tình hình vật chất của bầy chiên; song không thể tự nhận là nói lên được tình trạng thiêng liêng của họ, nào có bao nhiêu người vùng dậy từ trong giấc ngủ như chết, nào có bao nhiêu người theo Đức Chúa Trời với tư cách con cái yêu dấu của Ngài. Có lẽ các vị ấy cho điều tra như thế là táo bạo và tự phụ, nếu chẳng phải là cuồng tín. Tuy nhiên, các vị ấy đã thề trước mặt loài người  và thiên sứ mình rằng sẽ canh giữ linh hồn họ với tư cách những kẻ phải phúc trình! Song, than ôi! Các bài giảng, bí tích, trường học có ích lợi gì nếu bao nhiêu linh hồn bị bỏ mặc cho hư mất, nếu người ta không còn thấy đạo sống động, nếu ai nấy chẳng tìm kiếm Đức Thánh Linh, nếu bỏ mặc người ta lớn lên rồi chết, không ai thương xót, cảnh cáo và cầu nguyện cho?
Để Đức Chúa Trời được vinh hiển và
loài người được lợi ích
            Thời xưa, tình trạng chẳng phải như trên kia. Tổ phụ chúng ta đã thật tỉnh thức và giảng dạy để cứu được linh hồn. Họ cầu xin và mong chờ ơn phước. Đức Chúa Trời cũng chẳng từ chối ban ơn phước cho họ. Ngài ban phước cho họ khiến được nhiều người quay trở về sự công bình. Đời sống họ ghi chép những công khó đầy thành quả. Ta được bổ sức tươi mới biết bao nhờ cuộc đời những kẻ sống cho Đức Chúa Trời được vinh hiển và cho nhiều linh hồn được lợi ích. Trong lịch sử họ có một điều gì bắt buộc chúng ta cảm thấy rằng họ là tôi tớ Đấng Christ, - là những người canh giữ thật!
            Chúng ta được giục lòng biết bao khi đọc tiểu sử Baxter và công tác của ông tại Kidderminster! Long trọng biết bao khi ta nghe nói đến Venn và sự giảng dạy của ông. Có lời chép rằng người ta “té xuống trước mặt ông như vôi ngâm nước!” Trong công tác đầy ơn phước của người Đức Chúa Trời, là Whitefield có tinh thần sứ đồ, há chẳng có nhiều điều làm cho chúng ta phải hạ mình xuống cũng như khuyến khích ta, sao? Về Tanner, người đã nhờ chức vụ của Whitefield mà tỉnh thức, có lời chép rằng “ít khi ông giảng một bài luống công”. Về Berridge và Hicks, có lời chép rằng trong khi lưu hành truyền đạo ở khắp nước Anh, hai ông đã được Đức Chúa Trời ban phước tỉnh thức bốn ngàn người trong một năm. Ôi! Xin cho lại có những ngày như vậy! Ôi! Xin cho lại có một ngày của Whitefield!
            Có người đã viết như thế này: “Ngôn ngữ mà chúng ta quen dùng là: Phải sử dụng phương tiện, còn kết quả cứ giao phó cho Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể dùng phương tiện để làm nhiều hơn. Đó là bổn phận của ta, và sau khi làm như vậy, cứ giao phần còn lại cho Đức Chúa Trời, là Đấng an bài mọi sự”. Ngôn ngữ ấy kêu lắm, vì nó dường như là nhìn nhận chính chúng ta chẳng ra chi hết, và có mùi đầu phục quyền cao cả của Đức Chúa Trời. Nhưng chỉ là tiếng kêu trống rỗng chớ chẳng có thực chất gì. Ấy vì dầu có chân lý in rõ trên mặt nó, song ở gốc rễ nó lại có sự giả dối. Nói đầu phục quyền cao cả của Đức Chúa Trời là một việc, song thật đầu phục quyền ấy là một việc khác hẳn.
Đầu phục thì phải có từ bỏ
            Nếu thật đầu phục quyền sử dụng cao cả của Đức Chúa Trời, tất nhiên bao giờ cũng phải sâu xa từ bỏ ý riêng trong vấn đề liên hệ. Vả, không bao giờ thể hiện được sự từ bỏ ý riêng như vậy nếu linh hồn chưa trải qua những cuộc luyện tập rất khắc khổ, gay go, có tánh chất nội tại và làm cho ta hạ mình sâu xa.  Vậy, đang khi lặng lẽ thoả mẫn vì dùng phương pháp mà không đạt tới mục đích bởi không phải chịu luyện tập nhọc nhằn ở nội tâm và hạ mình sâu xa như đã nói đến trên đây mà lại tưởng rằng mình giao phó sự việc cho Đức Chúa Trời điều dụng, ấy là ta tự dối gạt, và lẽ thật trong vấn đề nầy chẳng ở nơi ta.
            “Không! Nếu thật dâng cái chi cho Đức Chúa Trời, thì phải gồm ý rằng ý chí, - thật ra chính là tấm lòng, - đã đặt vào cái đó. Vả, nếu tấm lòng thật đặt vào sự cứu rỗi tội nhân như mục tiêu phải đạt tới bằng phương diện mình sử dụng ắt ta không thể nào từ bỏ mục tiêu ấy mà lại chẳng thấy lòng mình bị cáo giác nghiêm khắc và đau đớn thấm thía (như đã nhận xét trước đây) vì không chịu từ bỏ ý chí. Vậy, nếu chúng ta có thể lặng lẽ thoả mãn dùng phương pháp cứu linh hồn mà không thấy lin hồn nào nhờ đó được cứu, chính là vì ta không từ bỏ ý chí, nghĩa là chẳng thật phó nộp mình cho Đức Chúa Trời trong công việc ấy.
Sự thực là ý chí – tức tấm lòng; - chưa bao giờ đặt vào mục tiêu đó; nếu đã đặt vào, nó không thể nào từ bỏ mục tiêu ấy mà lại không bị tan vỡ vì chẳng chịu hi sinh.
            “Khi chúng ta có thể thảo mãn vì dùng phương pháp mà không đạt tới mục đích, lại nói ra dường như đã tự đặt mình dưới quyền sử dụng của Chúa, là ta dùng sự thật để che đậy sự dối. Đó cũng đúng như bọn theo hình thức tôn giáo đã làm: họ cứ giữ hình thức và làm phận sự mà chẳng đi xa hơn, mặc dầu tự biết mình không nhờ đó mà được cứu; khi được cảnh cáo về hiểm hoạ của mình và được thành khẩn khuyên nài hết lòng tìm kiếm Chúa, họ trả lời bằng cách bảo chúng ta rằng họ tự biết mình phải ăn năn và tin, song họ không thể tự mình làm việc nào trong hai việc ấy, và phải chờ đợi cho đến khi được Đức Chúa Trời ban ân điển để làm như vậy. Vả, đây là một sự thật, đã được suy xét tuyệt đối; nhưng phần đông chúng ta có thể thấy rằng mình đã dùng nó như một sự dối để che đậy và bào chữa tấm lòng giả trá. Ta có thể nhận thấy ngay rằng nếu lòng họ thật đặt vào sự cứu rỗi, thì  trong trường hợp chưa đạt tới mục đích ấy, họ không thể nào thoả mãn. Niềm thoả mãn của họ là kết quả không do tấm lòng đầu phục Đức Chúa Trời, mà thật do tấm lòng hờ hững đối với sự cứu rỗi của chính linh hồn mình.
Lấy sự thật che đậy sự dối
            “Đối với chúng ta, là Mục sư, Truyền đạo, cũng y như vậy: Nếu chúng ta có thể thoả mãn vì dùng phương pháp cứu linh hồn mà không thấy linh hồn nào thật được cứu, hoặc chính mình không tan nát cõi lòng vì cảnh tượng ấy, song đồng thời lại bình tĩnh nói là giao phó kết quả cho Đức Chúa Trời, là ta đang dùng sự thật để che đậy và bào chữa sự dối đó; ấy vì khả năng chúng ta giao phó vấn đề như vậy chẳng phải như ta tưởng tượng, kết quả do tấm lòng đầu phục Đức Chúa Trời đâu, mà là do tấm lòng hờ hững với sự cứu rỗi của những linh hồn mình phụ trách. Quả thật không phải vậy; nếu tấm lòng thật đặt vào mục tiêu dường ấy, nó phải đạt tới mục tiêu, hoặc tan vỡ vì không đạt tới”.
            Đấng cứu rỗi linh hồn chúng ta đã dạy ta phải khóc lóc vì những ai chưa được cứu rỗi. Lạy Chúa, xin đặt trong chúng tôi tâm trí trước kia đã ở trong Ngài. Xin cho chúng tôi nước mắt của Ngài để khóc lóc; ấy vì, lạy Chúa, đối với kẻ đồng loại, lòng chúng tôi rất cứng cỏi! Chúng tôi có thể thấy hàng ngàn người hư mất chung quanh mình, song vẫn ngủ ngon, chẳng hề nhúc nhích; chúng tôi không hề sợ hãi vì thấy khải tượng án phạt kinh khiếp giáng trên họ; tiếng kêu từ linh hồn hư mất của họ phát ra chẳng hề dời đổi sự bình an chúng tôi ra cay đắng.
            Gia đình, học đường, chi hội của chúng ta ấy là chưa nói rộng đến các thành phố, xử sở và thế giới của chúng ta, đáng phải làm cho ta quì gối cầu nguyện hằng ngày; bỏi vì sự hư mất dầu là của một linh hồn thôi,cũng khủng khiếp vượt quá mọi ý niệm. Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa hề nghĩ đến một linh hồn phải chịu đau đớn đời đời trong hoả ngục thể nào ư? Lạy Chúa, xin cho chúng tôi có lòng thương xót! “Mầu nhiệm thay! Linh hồn và số phận đời đời của một người tuỳ thuộc tiếng nói của một người khác”.
CHƯƠNG VI
PHỤC HƯNG CHỨC VỤ MỤC SƯ TRUYỀN ĐẠO

NÓI hoặc viết về phục hưng thì dễ hơn lo thực hiện cuộc phục hưng. Có rất nhiều rác rến phải quét sạch, rất nhiều chướng ngại tự dựng lên phải hạ xuống, rất nhiều thói xấu có từ lâu phải chiến thắng, rất nhiều tánh biếng nhác và tinh thần cẩu thả phải giao tranh với, rất nhiều chiếu lệ trong chức vụ Mục sư, Truyền đạo phải vượt qua, rất nhiều công tác đóng đinh cả bổn ngã và thế gian vào thập tự giá mà ta phải chịu. Đấng Christ đã phán về các tà linh mà các môn đệ không đuổi ra được thể nào, thì cũng có thể nói về những sự trạng nầy rằng: “Nếu không cầu nguyện và kiêng ăn, thì chẳng ai đuổi thứ quỉ ấy ra được” (Mác 9:29).
            Một vị Mục sư ở thế kỷ thứ 17 đã suy nghĩ như thế cho nên sau khi than khóc vì những tội ác của cả đời mình và chức vụ mình, ông đã quyết định đổi mới như sau đây:
1.      Bắt chước Đấng Christ và các sứ đồ Ngài. Để làm được việc tốt đẹp, tôi quyết định mỗi buổi sáng sẽ thức dậy sớm.
2.      Ngay khi thức dậy, chuẩn bị một công việc phải làm, - làm thể nào và khi nào. Để trọn tấm lòng vào đó. Đến tối, phải tính sổ và than khóc vì các khiếm khuyết.
3.      Mỗi ngày để đủ  thì giờ cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, suy gẫm và vận dụng thần linh, cả buổi sáng, buổi trưa, buổi tối và trước khi đi ngủ.
4.      Mỗi tháng một lần, hoặc vào cuối tháng, hoặc vào giữa tháng, biệt riêng một ngày hạ mình vì cớ tình trạng xã hội, vì cớ con cái Đức Chúa Trời cùng tình trạng đáng buồn của họ, để nâng cao công việc của Đức Chúa Trời cùng con cái của Ngài.
5.      Ngoài ra, cứ sáu tháng một lần, tôi biệt riêng một ngày vì cớ tình trạng riêng của mình, để chiến đấu với những tội ác trong thần linh, để lo cho mình thanh khiết hơn, hoặc để vận dụng thần linh làm trọn một công tác đặc biệt.
6.      Mỗi tuần lễ, ngoài công việc thường ngày, tôi biệt riêng bốn giờ ở nơi kín nhiệm để lo một vài việc đặc biệt liên quan đến mình hoặc kẻ khác.
7.      Ngày thứ bảy, về đêm, để một ít thì giờ để chuẩn bị cho Chúa nhật.
8.      Hằng năm, biệt riêng luôn sáu hoặc bảy ngày liền, - khi nào thuận tiện hơn hết, để chỉ lo về những sự việc thiêng liêng.

Ngày nay cần có cuộc phục hưng
            Trên kia là phương pháp của vị Mục sư đã thực hiện cuộc phục hưng chính mình và chức vụ mình.
            Ở thế kỷ thứ 5 và thứ 6, hai ông Gildas, Salvian báo động, tỉnh thức Hội Thánh bê bối và hàng Mục sư, Truyền đạo chỉ có nghi thức. Ở thế kỷ thứ 16, đó chính là trách vụ trút trên các nhà Cải chánh. Ở thế kỷ thứ 17, Baxter, cùng với nhiều người khác, đã dự phần quan trọng trong việc kích  thích lòng tin kính uể oải và năng lực bất động của các bạn Mục sư, Truyền đạo. Ở thế kỷ thứ 18, Đức Chúa Trời đưa lên một vài người ưu tú cao thượng để dứt dấy Hội Thánh, mở đường cho sự nghiệp và bổn phận Mục sư, Truyền đạo cao quí hơn, dạn dĩ hơn. Thế kỷ 20 nầy cũng cần có một ảnh hưởng kích thích không kém. Chúng ta đã nếm trải nhiều triệu chứng sự sống, nhưng quần chúng vẫn chưa hồi sanh. Ta cần có một Baxter mới mẻ để dứt dấy mình bằng tiếng nói và gương sáng của ông.
            Truyền sự sống mới mẻ và chức vụ Mục sư, Truyền đạo, đó phải là đối tượng của nỗ lực trực tiếp và đặc biệt hơn, cũng như của lời cầu nguyện hợp nhất và sốt sắng hơn. Lời cầu nguyện của Cơ Đốc nhân đáng phải nhằm rộng rãi hơn vào các Sinh viên thần học, Mục sư, Truyền đạo trong Hội Thánh Đấng Christ. Đây là chức vụ sống mà đất nước chúng ta có cần; chẳng có chức vụ ấy, thì đất nước chúng ta không thể trông mong thoát khỏi các cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời. Ta cần có những người dâng thì giờ, chịu lao tổn, làm việc khó nhọc, cầu nguyện, canh giữ và than khóc vì linh hồn kẻ khác.
Myconius học bài thế nào?
            Trong đời sống Myconius, bạn của Luther, do Melchier Adam kể lại, ta thấy ký thuật kỳ diệu và mạnh mẽ một biến cố đã trở thành chỗ rẽ  trong lịch sử ông và khiến ông dâng toàn lực cho chánh nghãi Đấng Christ. Đêm thứ nhất vào tu viện với ý định trở nên một tu sĩ, ông đã năm chiêm bao; dường như ông đang một mình đi trên đồng vắng rộng lớn. thình lình có kẻ dẫn đường xuất hiện và dắt ông tiến tới một thung lũng đẹp đẽ, có dòng nước êm nhẹ chảy qua, song ông chẳng được phép uống; rồi tới một suối, lòng cẩm thạch, nước trong trẻo. Ông thử quỷ xuống mà uống, thì kìa! Cứu Chúa bị đóng đinh vào thập tự giá hiện lên trước mắt ông, và từ các vết thương của Ngài, suối nước trào ra đầy dẫy. Trong giây lát, kẻ dẫn đường xô ông xuống suối. Môi miệng ông đụng vết thương của Ngài, và ông uống nước dịu ngọt, không bao giờ khát nữa!
            Liền ngay khi ông được mát mẻ, kẻ dẫn đường đưa ông đi xa để dạy cho biết còn phải làm những việc lớn lao nào cho Đấng bị đóng đinh vào thập tự giá, mà các vết thương quí báu của Ngài đã đổ nước hằng sống vào linh hồn ông. Ông tới một đồng bằng rộng lớn, đầy dẫy bông lúa rung rinh trước gió. Kẻ dẫn đường bảo ông hãy gặt. Ông từ chối nói rằng mình hoàn toàn không có tài làm công việc ấy. Đáp: “Điều ngưoi chẳng biết, thì ngươi sẽ học”. Họ đến gần hơn, và ông nhìn thấy một người thợ gặt đơn độc đang làm việc với lưỡi liềm, và cố gắng lạ lùng, dường như anh ta quyết định gặt hái tất cả khu ruộng nầy. Kẻ dẫn đường bảo ông hãy nhập bọn với người thợ gặt ấy rồi cầm lấy một lưỡi liềm mà chỉ cho ông biết cách phải làm thể nào.
            Kẻ dẫn đường lại đưa ông tới một ngọn đồi. Ông nhìn xem đồng bằng rộng lớn ở phía dưới mình, rồi ngạc nhiên hỏi rằng: Có ít thợ như thế, thì hết bao lâu mới gặt xong khu ruộng rộng lớn nầy? Kẻ dẫn đường đáp: “Phải gặt xong khi tới mùa đông. Hãy hết sức làm việc đi. Chẳng bao lâu Chúa của mùa gặt sẽ gởi thêm con gặt.” Mệt mỏi vì làm việc khó nhọc, Myconius bèn nghỉ ngơi đôi chút. Đấng bị đóng đinh vào thập tự giá lại ở bên cạnh ông, hình hài tiều tuỵ và xài xể. Kẻ dẫn đường đặt tay trên Myconius mà nói rằng: “Ngươi phải nên giống như Ngài”.
            Nghe mấy lời ấy xong, người nằm chiêm bao thức dậy. Song ông thức dậy để sống một đời sốt sắng, yêu thương. Ông tìm thấy Cứu Chúa cho chính linh hồn mình, rồi đi ra rao giảng Ngài cho kẻ khác.
            Ôngài đứng bên cạnh người thợ gặt cao quí là Martin Luther. Ông được gương của người khuyến khích, làm việc với người trong đồng ruộng lớn cho tới lúc có nhiều con gặt dấy lên từ bốn phía và vụ gặt xong trước khi mùa đông tới. Bài học cho chúng ta là: Hãy vung lưỡi liềm của mình vào đồng lúa đã vàng và rộng rãi lắm; con gặt có ít, song đã có mấy người tận tuỵ làm việc ở đó. Trong những năm qua, ta đã thấy Whitefield và Hill cố gắng phi thường, dường một mình họ sẽ gặt cả đồng ruộng. Chúng ta hãy nhập bọn với những người như vậy, thì Chúa của mùa gặt sẽ chẳng để ta làm việc một mình.
Gặt mùa lớn lao
            “Anh định bao giờ mới ngừng?” Đó là câu một người bạn hỏi Rowland Hill, và ông lẹ làng đáp: “Chỉ sao khi làm hết công việc ở trước mặt chúng ta”. Chúng ta cũng phải trả lời như vậy. Cánh đồng rộng lớn, lúa chín vàng, dập dờn trước gió. Nhờ ân điển Chúa, chúng ta sẽ cầm lưỡi liềm mà đi ra, và không bao giờ yên nghỉ cho tới khi nằm xuống ở nơi chính Chiên Con sẽ dẫn mình tới, bên cạnh những suối nước sống, tại đó Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mồ hôi khó nhọc trên trán mệt mỏi của ta, cùng tất cả giọt lệ của trần gian trên mắt ta. Một số người trong chúng ta đang trẻ trung tươi mới; theo thiên hựu của Đức Chúa Trời, có lẽ số ngày của các người ấy còn dài. Phải là những ngày làm việc hăng hái, không ngừng, bền bỉ và thành công, nếu Đức Chúa Trời ban phước cho. Chúng ta sẽ làm việc cho tới khi mòn mỏi và nằm nghỉ.
            Mục sư Vincent, trong quyển sách nhỏ viết về dịch lệ và hoả hoạn lớn ở Luân- đôn, nhan đề: “Tiếng phán khủng khiếp của Đức Chúa Trời ở Kinh Thánh”, đã mô tả các các Mục sư, Truyền đạo trung tín ở lại giữa vòng nguy hiểm, thi hành phận sự nghiêm trọng đối với nhân dân đang chết chóc, và các quần chúng đang khủng khiếp nôn nả và nín thở nghe các vị ấy giảng dạy, uống ơn cứu rỗi trước khi dịch lệ đáng kinh sợ lôi cuốn họ xuống mồ mả. Nhà thờ rộng mở, xong toà giảng lặng lẽ vì chẳng có ai đứng đó; những kẻ chăn thuê đã chạy trốn.
Giảng cho nạn nhân dịch lệ
            Bây giờ nhóm người trung tín với Đức Chúa Trời đang bị bắt bờ, bèn từ nơi ẩn trốn xuất hiện để bước lên các toà giảng bị bỏ trống. Lúc ấy họ đứng giữa bao nhiêu người sắp chết và đã chết để tuyên cáo sự sống đời đời cho những ai đang chờ chết trước ngày hôm sau. Họ giảng lúc gặp thờ và lúc không gặp thời. Đối với họ ngày thường hoặc Chúa nhật cũng y như nhau.  Họ cất tiếgn lên như kèn thổi vang, và chẳng quản thân mình. Bất cứ bài giảng nào cũng có thể là bài giảng cuối cùng của họ. Mồ mả mở ra chung quanh họ. Lúc nầy mạng sống họ không những là một gang tay mà còn chỉ là một sợi tóc; lúc nầy Tử thần ở gần họ hơn bao giờ hết; cõi đời đời nổi bật lên với tất cả thực tại vô biên; họ cảm thấy linh hồn người ta là quí báu; không còn có thể coi thường và bỏ mất cơ hội; mỗi giờ có giá trị trổi hơn cảnh phú cường của các nước; thế gian lúc nầy là một cái bóng mau qua, và số ngày của người ta trên mặt đất đã bị bớt từ bảy mươi tuổi xuống một nháy mắt!
            Ôi! Họ giảng hăng hái là dường nào! Không có những phần đẽo gọt, những lý luận uyên bác, những đoạn công phu, làm tê lạnh tiếng kêu gọi của họ, hoặc khiến cho kẻ nghe không hiểu được bài họ giảng. Không sợ loài người, không thích được dân chúng hoan hô, không luôn luôn quá thận trọng sợ nói mạnh mẽ, không sợ thính giả kích động hoặc hăng hái; mọi điều đó chẳng ngăn trở họ dốc đổ tất cả lòng nhiệt thành, lấy niềm tự ái khôn xiết mà hướng về bao nhiêu linh hồn đang chết mất.
            Vincent nói: “Thời xưa dường như đứng ở đầu toà giảng, tay cầm lưỡi hái lớn, và nói với giọng khàn khàn rằng: Hãy làm việc đang khi còn là ngày nay; đến đêm, ta sẽ cất ngươi. Tử thần hung dữ dường như đứng ở góc toà giảng, với mũi tên bén nhọn, và nói rằng: Ngươi hãy bắn các mũi tên của Đức Chúa Trời, còn ta sẽ bắn các mũi tên của ta. Mồ mả dường như mở rộng nơi chân toà giảng trong lòng có dính bụi đất, và nói: Hãy kêu lớn tiếng với Đức Chúa Trời và loài người, ngay bây giờ hãy làm trọn nhiệm vụ giao phó cho mình. Ngươi sẽ phải nằm ở đây, miệng ngậm lại, hơi thở tắt, và yên lặng trong bụi đất.
            “Các vị Mục sư, Truyền đạo ngày nay thức tỉnh vì nghe tiếng kêu gọi hãy nghiêm trang và nhiệt thành thi hành chức vụ của mình, tức là giảng dạy trên bờ vực sâu mà muôn ngàn người đang ngã vào đó. Có rất đông người trong các nhà thờ mà những vị Mục sư, Truyền đạo nầy giảng dạy đến nỗi nhiều lần họ không thể đến gần cửa toà giảng vì cớ bị chen lấn, song buộc phải leo qua các hàng ghế để đến cùng các vị ấy. Người ta thấy những khuôn mặt như vậy trong hội chúng, mà trước kia ít khi có ở Luân đôn; thấy những con mắt hăm hở, lỗ tai mở ra, và sự chú ý thèm khát, dường như ăn nuốt mỗi lời ra từ môi miệng các vị Mục sư Truyền đạo”.
Chúng ta có bao giờ nên kém
phần sốt sắng chăng?
            Họ đã giảng như vậy và đã nghe như vậy trong những ngày khủng khiếp và chết chóc ấy. Lúc dó, kẻ giảng và người nghe đều sốt sắng. không có nguội lạnh, không có mòn mỏi, không có thuật diễn thuyết khéo léo. Quả thật, họ giảng như người sắp chết nói với kẻ sắp qua đời. Nhưng câu hỏi là: Có bao giờ nên khác như vậy chăng? Có bao giờ nên giảng kém nhiệt thành, và nghe kém nôn nả, không bằng thời ấy chăng? Quả thật, lúc ấy, đời sống ngắn hơn đôi chút, song chỉ có chừng đó. Sự chết và các hậu quả của nó vẫn y nguyên. Chỉ có một yếu tố nhỏ nhoi đã xen vào lúc đó, song chẳng phải bao giờ cũng có nó tới mức ấy, - tức là đời sống ngắn ngủi. Song tất cả sự khác biệt lại ở đó.
Lòng không tin làm suy yếu
 lời làm chứng của chúng ta.
            Vậy, tại sao sự giảng dạy của chúng ta kém nhiệt thành, tiếng kêu gọi của ta kém từ ái, lời thúc giục của ta kém khẩn thiết? Chúng ta cách xa bờ biển Đức Chúa Trời hơn vài bước thôi; chỉ có chừng đó. Thì giờ có lẽ nhiều hơn lúc ấy một chút, nhưng chỉ một chút thôi. Những hậu quả đời đời vẫn quan trọng và bất biến y như vậy. Chắc khác nhau là do chúng ta chẳng tin! Chính sự chẳng tin làm cho Mục sư, Truyền đạo giảng dạy nguội lạnh, lạt lẽo, biếng nhác thăm tiếng, và sơ suất các trách vụ thánh. Chính sự chẳng tin làm cho đời sống tẻ lạnh và tấm lòng cứng cỏi. Chính sự chẳng tin làm cho Mục sư, Truyền đạo thiếu niềm cung kính biết bao đang khi vận dụng các thực tại đời đời! Chính sự không tin khiến họ nhẹ nhàng bước lên “nơi khủng khiếp kia, tức là toà giảng” để xử trí với những linh hồn bất diệt về Thiên đàng, Hoả ngục.
            Xin hãy nghe một lời kêu gọi của Richard Baxter: “Khi nghe rao truyền những sự kiện trọng đại dường ấy, tôi đã ngạc nhiên ngay vì hội chúng lại có thể không kêu la lên; tôi càng ngạc nhiên nữa vì họ có thể yên nghỉ trước khi đến cùng Mục sư,  Truyền đạo của mình mà hỏi cho biết mình phải làm chi. Ôi! Thiên đàng và Hoả ngục chẳng còn ảnh hưởng đến người ta! Ôi! Những sự kiện đời đời không có hiệu lực nữa! Ôi! Anh em làm sao mà thản nhiên được khi nghĩ sẽ ở một mình nơi vui mừng hoặc nơi khổ hình đời đời. Tôi ngạc nhiên vì những tư tưởng dường ấy chẳng làm cho anh em mất ngủ, và đang khi anh em làm việc, tại sao tư tưởng ấy lại không nảy ra trong tâm trí của anh em! Tôi ngạc nhiên vì anh em hầu như có thể làm bất cứ việc chi khác; có thể bình thản trong trí óc; có thể ăn, hoặc uống, hoặc nghỉ ngơi trước khi dựa vào một lý do nào cho được yên ủi đời đời!
            “Phải chăng là người hay là xác chết, mà không cảm động trước những vấn dề quan trọng dường ấy? Mà có thể sẵn sàng đi ngủ hơn là run rẩy khi nghe nói rằng mình phải đứng trước toà án của Đức Chúa Trời? Phải chăng là người hay là cục đất, mà có thể ngồi lên rồi lại nằm xuống, mà không cảm động sâu xa trước địa vị đời đời của mình? Mà có thể theo đuổi công việc đời nầy, song rất coi thường công việc đời đời, là được cứu rỗi hoặc bị hình phạt, trong khi biết rằng sự việc ấy gần xảy đến rồi? Quả thật, thưa các ông, khi nghĩ đến vấn đề trọng đại ấy, tôi ngạc nhiên trước mức tốt nhất của các thánh đồ Đức Chúa Trời trên mặt đấy, vì họ chẳng tốt hơn và chẳng làm nhiều hơn trong một trường hợp quan trọng như vậy. Tôi ngạc nhiên trước những người mà thế gian cho là thánh khiết quá mức cần thiết lại lăng xăng quá nhiều, đến nỗi có thể loại bỏ Đấng Christ và linh hồn mình để lấy những cái nhỏ nhặt, vì họ không dốc đổ linh hồn mình để lấy những cái nhỏ nhặt, vì họ không mãi chuyên chú vào Đức Chúa Trời; vì tư tưởng họ không trang nghiêm hơn đang khi chuẩn bị phúc trình. Tôi ngạc nhiên vì họ không nghiêm khắc gấp trăm lần hơn trong đời sống mình, không siêng năng và bền bỉ nhiều hơn hiện tại để cố gắng đoạt lấy mũ triều thiên.
“Sẵn sàng run rẩy”
            “Về phần mình, tôi hổ thẹn vì tấm lòng trì độn vô tư lự, vì đời sống chậm chạp, vô ích thể nào, thì cũng một thể ấy, - có Chúa biết, - tối xấu hổ vì mỗi bài mình đã giảng. Khi nghĩ mình nói những gì, ai đã sai bảo mình, và sự cứu rỗi hoặc án phạt bao nhiêu người tuỳ thuộc lời mình nói, thì tôi sẵn sàng run rẩy, kẻo bị Đức Chúa Trời phán xét như một kẻ coi thường chân lý của Ngài và linh hồn người ta; lại kẻo tôi mắc tội về huyết họ ngay trong bài giảng tốt nhất của mình. Tôi nghĩ rằng chúng ta đáng phải đổ nước mắt mà nói với người ta về những vấn đề quan trọng như vậy; và phải nói với niềm nhiệt thành hơn hết mình có thể có. Thật được như vậy, nếu chúng ta chẳng mắc tội lỗi mà mình quở trách.
            Chúng ta chẳng nghiêm chỉnh khi giảng hoặc khi nghe. Nếu thật nghiêm chỉnh thì ta có thể nguội lạnh, ít cầu nguyện, hay đòi hỏi, lười biếng, ham mến thế gian, và không giống những người mãi lo về cõi đời đời, như vậy chăng? Nếu muốn cứu được nhiều linh hồn, chúng ta phải nghiêm chỉnh hơn. Nếu muốn bước đi theo gót lành của Chúa yêu dấu, hoặc muốn làm trọn lời hứa nguyện đè nặng trên mình, phải nghiêm chỉnh hơn. Nếu chẳng muốn kém cả kẻ giả hình, phải nghiêm chỉnh hơn. Nếu muốn đi trọn đường đời với niềm vui thảo và được mũ triều thiên khi Chúa ngự đến, chúng ta phải nghiêm chỉnh hơn. Ta phải làm việc “trong khi còn ban ngày…; tối lại, không ai làm việc được” (Giăng 9:4)

Related Posts

0 nhận xét