Phước Hạnh Gia Đình Tin Kính


Kinh Thánh: Thi-thiên 128:1-6
Nhập đề:
Tướng Giô suê sau khi dẫn dân Y-sơ-ra-ên vượt qua mọi trở ngại, và đánh bại mọi kẻ thù hung ác. Và giờ đây một lần nữa ông khẳng định niềm tin của cá nhân ông, niềm tin của gia đình ông nơi Đức Chúa Trời, trước mặt dân sự ông đã sống cách kính sợ Chúa và kêu gọi dân sự phải kính sợ Chúa và phục vụ Ngài cách thành tâm.
Giô-suê rất giỏi trong chiến trận, ông rất quan tâm đến sự an ninh của dân sự, nhưng không vì thế mà ông bỏ qua sự an ninh của gia đình ông, vợ con của ông. Đây là một người lãnh đạo giỏi của Đức Chúa Trời. Ông không chỉ là trụ cột của toàn thể dân tộc của Chúa nhưng ông cũng xứng đáng là người trụ cột trong gia đình của mình. Bây giờ ông nói:
Gios 24:15   Vậy bây giờ, hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín; hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông, và tại xứ Ê-díp-tô; phải phục sự Đức Giê-hô-va. 15 Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va.
Câu nói của Giô suê: nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va. Cho thấy sự quả quyết đức tin và lòng tin kính của gia đình ông nơi Chúa, ông quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng đức tin của gia đình mình nơi Chúa.
Giô suê là người chồng, là người cha tin Kính Chúa, ông bảo vệ vườn nho của gia đình ông trong sự tin kính Chúa. Ông không để những con chồn nhỏ phá hại vườn nho, tấn công vườn nho của gia đình ông. Ông là chiến sĩ ngoài chiến trường, nhưng ông cũng là vị tướng giỏi và tin kính cho gia đình vợ con của ông noi theo.
Đây là một gương mẫu của những người làm cha, làm chồng, làm ông trong thời đại của chúng ta. Trong Thi-thiên128 có 6 câu thì có tới 5 động từ “ Phước” liên tục được đề cập và đây là một chuỗi phước.
Ở đây không phải là một ít phước, nhưng là phước chồng trên phước. Phước trong công việc, phước trong gia đình, phước ở ngoài đồng ruộng, nhưng phước trong con cái nữa.
Trong sách Phục truyền mô tả những phước hạnh của Chúa nếu một người nghe theo và giữ các điều răn và luật lệ của Chúa.
“ Ngươi sẽ được phước trong thành, và được phước ngoài đồng ruộng. 4 Bông trái của thân thể ngươi, hoa quả của đất ruộng ngươi, sản vật của sinh súc ngươi, luôn với lứa đẻ của bò cái và chiên cái ngươi, đều sẽ được phước; 5 cái giỏ và thùng nhồi bột của ngươi đều sẽ được phước!
6 Ngươi sẽ được phước trong khi đi ra, và sẽ được phước trong khi vào.
 Phu 28:6   
Mỗi bước chân, mỗi việc làm của chúng ta, đều sẽ được phước, được phước khi đi ra và đi vào, có người rất được phước khi đi ra hầu việc Chúa nhưng không được phước khi về gia đình, có thể ra ngoài xã hội đối nhân xử thế rất nhã nhặn, nhưng về nhà lại bày tỏ cách sống thô lỗ, và cộc cằn.
Kinh Thánh không chỉ nói về những chuyện trên thiên đàng nhưng nói những chuyện rất đời thường thực tế. Nói đến người chồng, người cha, người làm vợ, làm mẹ, Kinh Thánh nói đến con cái, nói đến những chuyện nhỏ nhất như Ăn hoặc uống hãy vì sự vinh hiển của Chúa mà làm.
Ai trong chúng ta cũng muốn mình được phước, muốn nhìn thấy vợ con, cháu chắt được phước, ai trong chúng ta cũng mong mỏi ước ao phước mỗi ngày. Nhưng Kinh Thánh đưa ra một khuôn mẫu, một mô hình của một gia đình được phước.
Trước hết muốn gia đình mình được phước thì điều đầu tiên là:
I/. Xây dựng gia đình tin kính ( 128:1)
Nói đến gia đình là nói đến một tập thể, là nói đến mỗi cá nhân trong gia đình. Nói đến gia đình là nói đến: người chồng, người vợ, và con cái. Gia đình là một tế bào nhỏ của xã hội.
Trong câu số 1 Kinh Thánh không đề cập đến người đàn ông, nhưng đọc suốt mạch văn thì chúng ta hiểu ngầm ngay ý tác giả muốn nói đến là người chồng, người cha trong gia đình.
Người chồng như là chiếc đầu của người đàn bà, người đàn ông như chiếc đầu tầu, nhờ cái đầu tàu mà nó kéo cả chục cái toa khác theo.
Người Việt Nam chúng ta thường nói: người đàn ông phải đầu tầu gương mẫu.
Gương mẫu trong lời nói, gương mẫu trong việc làm, gương mẫu trong nếp sống, tư cách sống, làm gương trong nhân cách nữa.
Không thể nào người cha hút thuốc mà lại khuyên người con không hút thuốc, không thể nào người cha hay chửi bậy mà lại khuyên con không được chửi bậy. Cha là tấm gương cho vợ con noi theo.
Chúng ta phải xây dựng một gia đình để mỗi thành viên đều Kính sợ Chúa, Kính sợ Chúa là gì? Đó là đi trong đường nối của Ngài, tức là gia đình đó phải sống theo Lời Chúa đã dạy, một gia đình không có nền tảng là một gia đình đổ vỡ, chẳng mấy chốc gió lay xông động gia đình ấy xập liền, nhưng một gia đình xây dựng trên lời Chúa sống theo Lời Chúa thì chẳng điều gì có thể làm lạy động gia đình ấy được.
Nền tảng của gia đình cơ đốc là sự Kính sợ Chúa, nền tảng của gia đình cơ đốc đặt nền móng trên Lời của Đức Chúa Trời.
Mỗi khi có xung đột, có sự xích mích không phải ông đổ tội cho bà, bà đổ tội cho ông, nhưng trước hết cả hai phải chạy đến với Chúa để xem Lời Chúa nói gì về nan đề này.
Chồng nói với vợ rằng: mình ạ, mình thông cảm, tha thứ cho tôi, vì lúc đó tôi đã nóng giận, không cầm giữ được lên đã xúc phạm tới mình, hoặc vợ nói: Mình ạ, vợ chồng mình đã làm cho Chúa buồn, nhất là vợ chồng mình đã giận dữ cãi lộn nhau như thế không làm sáng danh Chúa, đã sỉ nhục danh Chúa, chúng ta cùng nhau ăn năn thì việc được thành.
A-đam đã thất bại vì không kính sợ Chúa và đã chống lại điều răn của Ngài. Chúng ta có thể rút ra ba bài học từ thất bại của A-đam
·         Không có ý thức về vai trò mình (là đầu gia đình, với nhiệm vụ trồng và giữ vườn), để khi thấy kẻ thù là  rắn đến nói rủ rỉ dỗ dành vợ mình mà không đuổi đi (không mạnh mẽ dùng quyền khi cần thiết)        
·         Biết điều Chúa dạy mà không làm, biết vợ sai mà không cản (không tỏ vai trò lãnh đạo lúc cần, thiếu quyết đoán – sợ người hơn sợ Chúa)
·         Vô trách nhiệm (không nhận lỗi để ăn năn mà đổ trách nhiệm sang cho người khác)
Có phải là những yếu điểm nói trên đều có trong đàn ông bây giờ, vì chúng ta đều là hậu duệ của A-đam? Nhưng người nào biết kính sợ Chúa, sẽ không làm điều trái với lương tâm.
Khi người khác dẫm vào cái ngón chân út của chúng ta, và ngón chân út của chúng ta bị thương, và chúng ta cứ chờ cái người làm tổn thương cái ngón út của mình đến xin lỗi trước. Nhưng lời Chúa không dạy như vậy, Lời Chúa nói rằng: Mat 18:15   15 Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại.
Khi nào thì chúng ta đến hòa giải, đó là khi chúng ta bất hòa với nhau, khi thấy lòng mình nặng trĩu, ăn không ngon,ngủ không yên, đứng ngồi không yên, thì lúc đó chúng ta phải chạy đến với anh em để giải quyết vấn đề.
Đến giải quyết vấn đề: chúng ta không nên nói: tại ông trước, tại bà trước, chúng ta không đến thanh minh, không đến để bênh vực mình và kết tội người khác sai. Mà đến để xin lỗi vì chúng ta đã không làm đẹp lòng Chúa.
Gia đình tin kính Chúa là gia đình phải ăn ở theo đường lối Ngài, gia đình được phước là gia đình để Chúa làm Chủ.
Gia đình kính sợ Chúa là gia đình tìm xem điều gì đẹp lòng Chúa thì dữ lấy, còn điều gì tựa như điều ác thì phải lánh đi.
Thiên sứ Chúa đóng lại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài, Và giải cứu họ (Thi Thiên 34:7) Hỡi các thánh của Chúa, hãy kính sợ Ngài; Vì kẻ nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì hết (Thi Thiên 34:9)

Hỡi các con, hãy đến nghe ta; Ta sẽ dạy các con sự kính sợ Chúa (Thi Thiên 34:11)
Sự kính sợ Chúa là khởi đầu của mọi sự khôn ngoan, người không học nhiều nhưng kính sợ Chúa thì người đó còn khôn ngoan hơn người cả chục bằng tiến sĩ nhưng không kính sợ và tin Chúa.
Nếu kính sợ Chúa thì phải đi theo con đường của Chúa. Chúng ta không thể ép Ngài đi theo con đường chúng ta và chúc phước cho chúng ta mãi được. Phước cho người nào kính sợ Chúa, Đi trong đường lối Ngài! Xin Chúa cho chúng ta biết con đường của Ngài.

II/. Phước hạnh của gia đình tin kính Chúa
·         Được hưởng mọi thành quả của công việc mình làm ( 128:2)
 Mình không đựng tiền công trong túi lủng nữa, cũng không đổ mồ hôi chán luống công, người kính sợ Chúa là người được Chúa bảo vệ trở che và thêm sức để chúng ta nói như Phao lô rằng: Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng thêm sức cho tôi.
Vâng nếu không có Chúa thêm sức cho thì chúng ta chẳng hoàn thành được việc gì cả, vì Chúa Giê-xu đã phán rằng: Ngoài Ta ra các ngươi chẳng làm chi được.
Tính được, làm được nhưng phải có Chúa ban cho thì mới được, nói được làm được nhưng Chúa không cho thì dù nhìn thấy trước mắt cũng chẳng nhận được.
Mọi công lao, kết quả đều đổ xuống sông, xuống biển hết, dã chàng xe cát biển đông khi không có Chúa giữ gìn cho.
Vua Đa vít nói rằng: Ngoài Chúa ra tôi không có phước gì hết
Thi 16:6   5 Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi:
Ngài gìn giữ phần sản tôi.
6 Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành;
Phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ.
Đa vít nói Chúa giữ phần sản tôi, điều gì xảy ra khi gia đình chúng ta không được giữ gìn, sẽ có sâu mối ten rét, kẻ trộm sẽ đào ngạch khoét vách lấy đi.


Tác giả Thi thiên 127: Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà,
Thì những thợ xây cất làm uổng công.
Nhược bằng Đức Giê-hô-va không coi giữ thành,
Thì người canh thức canh luống công.
2 Uổng công thay cho các ngươi thức dậy sớm, đi ngủ trễ,
Và ăn bánh lao khổ;
Chúa cũng ban giấc ngủ cho kẻ Ngài yêu mến bằng vậy.
Người ta luôn tìm cách xây lên những ngôi nhà kiên cố, và cắt đặt người canh giữ các thành phố nhưng cả hai hoạt động đó đều chỉ là phí công vô ích, nếu Đức Chúa Trời không ở với họ. Một gia đình không có Đức Chúa Trời thì chẳng bao giờ từng trải được sự ràng buộc thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã đem đến trong các mối quan hệ.Một thành phố không có Đức Chúa Trời sẽ sụp đổ vì sự gian ác băng hoại từ bên trong. Đừng sai lầm bỏ Đức Chúa Trời ra ngoài cuộc đời của bạn - nếu bạn làm như thế thì mọi thành tựu của bạn đều sẽ chỉ là phí công vô ích mà thôi. Hãy biến Đức Chúa Trời thành ưu tiên cao nhất của bạn, rồi để cho chính Ngài làm công việc xây dựng.
Nếu gia đình chúng ta đặt để mời Chúa làm chủ, chúng ta kính sợ Chúa, đi trong đường lối của Ngài thì mọi công việc mà tay chúng ta làm đều sẽ được phước và may mắn.

·         Vợ con sẽ ở trong nhà như cây nho thạnh mậu ( 128:3)
Khi quý vị là cha, là chủ gia đình, hết lòng kính sợ và đi theo đường lối Chúa, chu cấp mọi nhu cầu của gia đình, thì vợ của quý vị sẽ như cây nho thạnh mậu. Đối với người Do Thái ‘cây nho’ biểu tượng cho sự thịnh vượng, cho đời sống phong phú. Không những dây nho dùng để trang trí mà trái nho còn đem lại sự ngon ngọt cho người dùng nó, lợi nhuận cho người trồng nó. Nho là loài thảo mộc yếu đuối, mềm dịu, cần được nâng đỡ và vun trồng, nho cần tường vách để nương tựa. Đây cũng là hình ảnh của người vợ lúc nào cũng dựa nương vào chồng của mình, như ông bà ta thường nói ‘cát đằng, nương bóng tùng quân’. Có một người thầy dạy luật Do Thái nói rằng: Tôi không bao giờ gọi vợ tôi là vợ, mà gọi là 'nhà tôi', vì nàng đã biến căn nhà tôi trở thành mái ấm, nơi che chở, bảo bọc, nuôi dưỡng đàn con của tôi.
Khi người chồng kính sợ Chúa, đi theo đường lối Chúa và hết lòng thờ phượng Ngài thì vợ của người như nho thạnh mậu, người vợ đảm đan, người mẹ hiền của đàn con mình. Cây nho thạnh mậu sẽ sanh ra trái khôn ngoan, cành lá vượt tường thành, không bò dưới đất, không sanh những trái chua, những quả chát, trái lại kết những trái nho to, chín mọng, ngon ngọt.
Người cha nào kính sợ Chúa, hết lòng làm theo lời dạy Chúa, và kính sợ Ngài chẳng những sẽ có được người vợ đảm đang như cây nho thạnh mậu, mà còn có con cái quây quần chung quanh bàn người khác nào những chồi ô-li-ve.

Ở tại Do Thái, là xứ thánh, nơi Chúa Cứu Thế đã giáng trần, người nào làm chủ một vườn ô-liu, người đó sở hữu một loài cây rất có giá trị, vì cây ô-liu cung cấp trái từ 20 đến 30 đời. Đây là hình ảnh của người cha có phước lớn vì con cháu của người mấy mươi đời vẫn được phước.
Thật không có hình ảnh nào phước hạnh hơn, êm đềm hơn cho người cha khi có đầy đủ các con tụ họp lại trong mỗi buổi ăn chiều. Công tác chánh của người cha không phải tạo ra sự nghiệp lớn lao, mà là xây dựng một gia đình đầm ấm, con cái yêu thương nhau, quây quần bên nhau cùng với cha mẹ trong mái ấm gia đình.

Related Posts

0 nhận xét