Phụ Nữ trong Kinh Thánh BÀ MI-RI-AM
BÀ MI-RI-AM
Bài 4
Thưa quý độc giả, trong Trang Phụ Nữ kỳ này, mời quý vị cùng nhìn vào cuộc đời bà Mi-ri-am, một phụ nữ sống trong thời Cựu Ước để tìm hiểu và ghi nhận những điều Lời Chúa nhắc nhở chúng ta. Bà Mi-ri-am được nhắc đến trong sách Xuất Ê-díp-tô ký, Dân số ký, Phục truyền luật lệ ký và sách tiên tri Mi-chê.
Trong trang Phụ Nữ trong Kinh Thánh kỳ này chúng ta sẽ tiếp tục học về bà Mi-ri-am, một phụ nữ được nhắc đến trong Kinh Thánh Cựu Ước. Qua bài kỳ trước, chúng ta ghi nhận những điều sau đây về bà Mi-ri-am: Bà thuộc chi tộc Lê-vi, con gái của ông Am-ram và bà Giô-kê-bết. Bà là chị của hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Do Thái: A-rôn và Môi-se. Khi còn nhỏ, Mi-ri-am là một đứa con ngoan ngoãn, vâng lời mẹ, thương em; Mi-ri-am cũng là một cô bé kiên nhẫn, khôn ngoan, lanh lợi. Trong thời gian con dân Chúa đi trong đồng vắng Mi-ri-am là nữ tiên tri, hướng dẫn phụ nữ trong việc ca hát thờ phượng Chúa. Hôm nay chúng ta sẽ nhìn vào một khía cạnh khác trong đời sống bà Mi-ri-am.
Kinh Thánh ghi nhiều điều tốt về bà Mi-ri-am nhưng cũng ghi lại lỗi lầm của bà. Điều này cho thấy Kinh Thánh là quyển sách trung thực. Khi ghi lại cuộc đời những nhân vật trong Cựu Ước và Tân Ước, Kinh Thánh ghi những ưu điểm và thành công của họ nhưng cũng không che giấu khuyết điểm hay thất bại của những nhân vật đó. Thất bại thường đến với con người ở tuổi trung niên hoặc khi một người đã đạt được một thành công nào đó trong đời. Thất bại và lầm lỗi cũng thường đến trong lúc chúng ta không ngờ. Tuy nhiên, khi học về những nhân vật trong Kinh thánh, chúng ta không vì những vấp váp của họ mà xem thường họ hay bỏ qua những điều tốt trong đời sống họ. Trái lại, chúng ta ghi nhận những điều tốt để học hỏi bắt chước và thấy những lầm lỗi để tránh đi. Sứ đồ Phao-lô cho biết, “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy” (Rô-ma 15:4).
Mi-ri-am có lòng ganh tị
Sách Dân số ký 12:1, 2 ghi lại lỗi lầm của Mi-ri-am như sau: Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về việc người nữ Ê-thi-ô-bi mà người đã lấy; vì người có lấy một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ. Hai người nói rằng: Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao? Từ buổi đầu cho đến lúc này, bà Mi-ri-am luôn đứng bên cạnh, nâng đỡ chức vụ của A-rôn và Môi-se. Từ khi Môi-se là em bé, bị bỏ trên giòng sông cho đến khi ông được Chúa dùng giải phóng con dân Chúa ra khỏi xứ nô lệ Ai cập, và nhất là khi Môi-se hướng dẫn đoàn dân Do Thái đi trong sa mạc, bà Mi-ri-am lúc nào cũng ở bên cạnh, âm thầm hỗ trợ chức vụ của Môi-se và A-rôn. Nhưng theo phần Kinh Thánh ghi ở trên, chúng ta thấy Mi-ri-am bỗng nhiên có thái độ phản loạn và ganh tị. Không những một mình bà mà cả A-rôn cũng chỉ trích Môi-se. Mi-ri-am và A-rôn chỉ trích Môi-se hai điều. Thứ nhất, vì Môi-se cưới một người vợ không phải là Do Thái. Thứ hai là vì Môi-se được Chúa dùng trong vai trò lãnh đạo. Lúc đó Đức Chúa Trời truyền phán với con dân Ngài qua Môi-se chứ không qua A-rôn hay Mi-ri-am.
Người vợ thứ nhất của Môi-se cũng không phải là người Do Thái. Theo Xuất Ê-díp-tô ký chương 2 ghi lại, chúng ta biết Môi-se được công chúa Pha-ra-ôn nuôi trong cung điện cho đến lớn. Khi khôn lớn, Môi-se đi ra ngoài và nhìn thấy người Ai cập đánh đập người đồng hương, ông can thiệp và lỡ đánh chết người Ai cập đó. Vì hành động nông nổi đó Môi-se phải bỏ cung điện, trốn khỏi Pha-ra-ôn. Ông đến sống trong vùng đất của người Ma-đi-an và sau đó cưới Sê-phô-ra, con gái Giê-trô, là người Ma-đi-an, làm vợ. Khi Chúa kêu gọi Môi-se hầu việc Ngài, bà Sê-phô-ra đi với chồng đến Ai cập (Xuất 4:19 , 20), nhưng sau đó bà trở về Ma-đi-an nên không có mặt với Môi-se khi ông đưa người Do Thái ra khỏi Ai cập.
Theo Xuất Ê-díp-tô ký chương 18, khi ông cụ Giê-trô, nhạc gia của Môi-se, nghe những việc lớn lao Đức Chúa Trời làm qua Môi-se, ông bèn đem Sê-phô-ra là vợ của Môi-se và hai con trai Môi-se đến thăm. Ông Giê-trô cũng góp ý kiến với Môi-se trong việc lãnh đạo dân chúng. Sau đó ông trở về Ma-đi-an, có lẽ cùng với vợ và con của Môi-se, vì từ đó trở đi, Kinh Thánh không nhắc đến bà Sê-phô-ra nữa. Xuất Ê-díp-tô ký chương 18 ghi như sau: “Giê-trô, ông gia của Môi-se, đến với hai con trai và vợ Môi-se, thăm người nơi đồng vắng, chỗ đóng trại gần bên núi Đức Chúa Trời ... Đoạn, Môi-se để cho ông gia mình trở về xứ người” (Xuất 18:5 & 27).
Trong thời gian Môi-se hướng dẫn con dân Chúa trong đồng vắng, bà Sê-phô-ra không sống với chồng nhưng trở về nhà cha mẹ nên Môi-se đã cưới một người vợ khác. Người vợ này cũng là người ngoại Do Thái và là một người da đen. Có lẽ người đàn bà này sống ở Ai cập và đã cùng đi với đoàn người Do Thái ra khỏi Ai cập. Người vợ này là lý do khiến Mi-ri-am chỉ trích Môi-se. Mi-ri-am và A-rôn chỉ trích Môi-se về việc ông cưới vợ ngoại Do Thái nhưng thật ra hai người ganh với Môi-se vì Đức Chúa Trời chỉ dùng Môi-se để truyền phán với con dân Ngài chớ không dùng họ. Tác giả Lockyer có một suy luận đặc biệt như sau: “Mi-ri-am lúc đó đã cao tuổi và có lẽ bà không chấp nhận được sự kiện có một người đàn bà khác trẻ hơn và gần với em trai của bà hơn chính bà. Mi-ri-am khinh rẻ vợ của Môi-se không hẳn vì màu da của người đàn bà này nhưng vì bà không phải là người Do Thái. Mi-ri-am sợ người đàn bà ngoại bang này có ảnh hưởng không tốt trên Môi-se và chức vụ của ông. Tuy nhiên, lý do chính khiến Mi-ri-am nói xấu Môi-se là vì bà không chấp nhận thẩm quyền mà Đức Chúa Trời đã ban cho Môi-se.”
Từ trước đến giờ, Mi-ri-am như là biểu tượng của sự hỗ trợ đối với Môi-se, bà giúp ông trong đời sống cũng như trong chức vụ. Bà đứng bên cạnh nâng đỡ Môi-se trong lúc khó khăn cũng như trong giờ phút vinh quang. Bà chia xẻ với Môi-se hy vọng tươi sáng Chúa ban cho con dân Ngài về vùng đất hứa, nhưng bây giờ bà bỗng nhiên trở thành người chống lại Môi-se. Bà phê bình, chỉ trích và ganh tị với chức vụ Chúa ban cho Môi-se. Dù A-rôn cũng đồng lòng với Mi-ri-am trong việc này, nhưng Kinh Thánh nhắc đến Mi-ri-am trước, chứng tỏ bà là người khởi xướng, là người nói ra những lời chỉ trích này.
Sự kiện A-rôn và Mi-ri-am đồng lòng với nhau là điều dễ hiểu. Mi-ri-am chỉ ở gần Môi-se khi Môi-se là một em bé. Sau đó Môi-se sống trong cung điện Ai cập suốt bốn mươi năm, rồi đến bốn mươi năm lưu lạc trong đồng vắng Ma-đi-an (Công vụ 7:23 & 30). Suốt tám mươi năm xa cách nên mối thân tình giữa chị em không là bao.A-rôn thì sống với gia đình nên Mi-ri-am và A-rôn gần nhau hơn, vì vậy hai người thân nhau hơn. Mi-ri-am với em trai A-rôn gần gũi hơn nên khi Mi-ri-am ganh tị và chỉ trích Môi-se, A-rôn dễ thông cảm và đồng lòng, đồng ý. Tuy nhiên, lòng ganh tị của Mi-ri-am khiến bà trở thành chống nghịch với Đức Chúa Trời, vì chính Ngài đã chọn Môi-se làm người đại diện cho Ngài để phán bảo với dân chúng.
Môi-se đã vấp váp, cưới người không phải là con dân Chúa, nhưng tội của Mi-ri-am nghiêm trọng hơn, không phải bà chống nghịch Môi-se nhưng là chống lại chính Chúa. Mi-ri-am đã kiêu ngạo, chỉ trích người Chúa chọn và tự tôn mình lên. Bà nghĩ rằng bà cũng ở trong hàng ngũ lãnh đạo như Môi-se. Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6) và: “Ngài nhạo báng kẻ hay nhạo báng nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (Châm Ngôn 3:34). Đức Chúa Trời đã phản ứng mạnh mẽ trước lòng ganh tị và kiêu ngạo của Mi-ri-am. Chúa bênh vực Môi-se và hình phạt Mi-ri-am.
Dân số ký chương 12 ghi như sau: Vả, Môi-se là người rất khiêm hòa hơn mọi người trong thế gian. Thình lình, Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am rằng: Cả ba hãy ra đến hội mạc. Cả ba đều đi. Đức Giê-hô-va ngự xuống trong trụ mây đứng tại cửa hội mạc, rồi gọi A-rôn và Mi-ri-am; hai người đều đến. Ngài phán cùng hai người rằng: Hãy nghe rõ lời ta, nếu trong các ngươi có một tiên tri nào, ta là Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra cùng người trong sự hiện thấy, và nói với người trong cơn chiêm bao. Tôi tớ Môi-se ta không có như vậy, người thật trung tín trong cả nhà ta. Ta nói chuyện cùng người, miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố, và người thấy hình Đức Giê-hô-va. Vậy, các ngươi không sợ mà nói hành kẻ tôi tớ ta là Môi-se sao? Như vậy, cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi phừng phừng cùng hai người; Ngài ngự đi. Khi trụ mây rút trên khỏi đền tạm thì kìa, Mi-ri-am đã bị phung trắng như tuyết. A-rôn xây lại phía Mi-ri-am, thấy người đã có bệnh phung(c. 3-10).
Mi-ri-am từng được Chúa cho làm nữ tiên tri, nhưng Môi-se có một vị trí cao trọng hơn. Ông là người khiêm nhường, được Chúa chọn và trao cho trọng trách lãnh đạo con dân Ngài. Mi-ri-am xúc phạm đến Môi-se, là em của bà, nhưng Môi-se là đầy tớ thánh của Chúa nên bà Mi-ri-am đã không tránh khỏi hình phạt của Chúa (còn tiếp)
Minh Nguyên
Backlinks
URL : |
Code For Forum : |
HTML Code : |
0 nhận xét