Phụ Nữ Trong Kinh Thánh - Bà Mi-ri-am

Bà Mi-ri-a

(Bài 3 Tiếp Theo)

Trong ba số Thông Công vừa qua, chúng tôi trình bày về bà Mi-ri-am, một nhân vật trong Kinh Thánh Cựu Ước.  Mi-ri-am là chị của hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Do-thái: Thầy tế lễ A-rôn và tiên tri Môi-se.  Bà Mi-ri-am cũng là một nữ tiên tri.  Lúc đầu, bà đứng chung, nâng đỡ chức vụ của A-rôn và Môi-se, nhưng sau đó vì ganh tị, bà chỉ trích và phàn nàn về chức vụ Chúa giao cho Môi-se.  Vì lỗi lầm đó, bà Mi-ri-am bị Đức Chúa Trời quở trách, khiến bị bệnh phung. Trang Phụ Nữ kỳ này sẽ trình bày tiếp về những diễn biến xảy ra sau đó.
Vì ganh tị, Mi-ri-am mất ơn Chúa
Là chị của A-rôn và Môi-se, bà Mi-ri-am có một vị trí quan trọng bên cạnh hai người em được Đức Chúa Trời trọng dụng.  Môi-se và A-rôn cũng quý trọng Mi-ri-am, để bà ở bên cạnh, làm những gì bà có thể làm để giúp hai người trong trách nhiệm lãnh đạo con dân Chúa.  Mi-ri-am cũng được Chúa dùng một cách đặc biệt.  Ngài cho bà ân tứ làm nữ tiên tri.  Bà viết những bài hát ca ngợi Chúa và hướng dẫn các phụ nữ trong việc thờ phượng Chúa.  Tuy nhiên, khi được Chúa ban cho ân tứ đặc biệt, bà Mi-ri-am đã sinh lòng kiêu ngạo.  Bà so sánh chính mình với vợ của Môi-se, hãnh diện về dòng dõi Do Thái của mình và xem thường người đàn bà Ê-thi-ô-bi mà Môi-se đã cưới.  Một tác giả nọ viết:  “Có lẽ Mi-ri-am tự tôn khi thấy bà cũng có khả năng và ân tứ mà lại phải ở dưới sự lãnh đạo của em là Môi-se.  Bà nghĩ Chúa cũng có thể truyền phán với bà để bà truyền lại cho dân chúng.  Ý nghĩ ganh tị và tự tôn đã ngấm ngầm trong lòng Mi-ri-am từ lâu nhưng bà chưa có cơ hội hoặc lý do để nói ra, đến khi Môi-se cưới người vợ ngoại bang, Mi-ri-am lấy lý do đó để nói xấu Môi-se.” 
Nhìn lại lời phàn nàn của Mi-ri-am, chúng ta thấy bà nói hành Môi-se thật ra là vì ganh tị, vì Chúa đặt Môi-se vào vị trí quan trọng hơn bà, chứ không phải vì Môi-se cưới vợ ngoại Do Thái.  Lời nói hành Môi-se về người vợ da đen chỉ là cớ để Mi-ri-am nói lên nỗi bất bình và ganh tị trong lòng.  Mi-ri-am kéo A-rôn về phe với mình không những vì A-rôn gần với bà hơn Môi-se, nhưng cũng vì biết A-rôn là người không có lập trường, nhờ đó ý của bà sẽ có thêm người hỗ trợ. 
Sự kiện Đức Chúa Trời phạt Mi-ri-am mà không phạt A-rôn cho thấy Chúa biết lòng ganh tị và lời nói hành phát xuất từ Mi-ri-am chớ không phải từ A-rôn.  Kinh Thánh ghi:  “Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về việc người nữ Ê-thi-ô-bi mà người đã lấy” (Dân số ký 12:1), vì có lẽ Mi-ri-am là người xướng lên lời chỉ trích này.  Khi đối diện với Chúa có lẽ bà Mi-ri-am rất là run sợ.  Run sợ trước vinh quang của Chúa, trước lời quở trách của Ngài và khiếp sợ trong đau đớn khi bệnh phung bao phủ cả thân thể bà.  Kinh Thánh ghi: “Khi trụ mây rút khỏi trên đền tạm thì kìa, Mi-ri-am đã bị phung trắng như tuyết. A-rôn xây lại phía Mi-ri-am, thấy người đã có bệnh phung” (Dân số ký 12:10).  Bệnh phung là bệnh không thể che giấu, nhất là khi bị phung trắng cả người.  Đây là một hổ nhục lớn cho Mi-ri-am.  Khi bị phung trắng đầy người, bà bị kể là ô uế và bị mọi người tránh xa.  Bà bị đem ra ngoài trại quân, tức là ở bên ngoài chỗ dân chúng ở, không được ở gần bạn bè và người thân.  Bà Mi-ri-am kiêu ngạo và ganh tị trong lòng.  Bà có thái độ tự tôn âm thầm trong tư tưởng nhưng Đức Chúa Trời nhìn biết, và Ngài đã khiến bà phải hạ mình xuống và chịu hổ nhục cách công khai.  Đây thật là một bài học quan trọng chúng ta cần ghi nhớ.  Xin Chúa giúp chúng ta không phạm tội ganh tị và kiêu ngạo nhưng trau giồi cho mình đức khiêm nhường, để được Chúa nâng lên.  Chúa Giê-xu phán: “Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Ma-thi-ơ 23:12).
Có lẽ chúng ta không hiểu tại sao Chúa trừng phạt Mi-ri-am quá nặng và quá nhanh như thế trong khi bà mới nói chứ chưa hành động, và cũng chưa ai nghe nhữõng lời chỉ trích của bà. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoàn cảnh con dân Chúa và trọng trách của Môi-se lúc đó, chúng ta sẽ hiểu tại sao Chúa phải phản ứng mạnh.  Lãnh tụ Môi-se lúc đó đang dẫn dắt cả triệu người Do Thái đi trong sa mạc, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khí hậu khắc nghiệt.  Đã thế dân chúng lại phàn nàn và chống đối Môi-se thường xuyên.  Mi-ri-am và A-rôn thuộc hàng ngũ lãnh đạo, đúng ra phải hỗ trợ Môi-se hết lòng nhưng hai người lại than phiền và nói xấu Môi-se.  Nếu Chúa không chận ngay lời phàn nàn của Mi-ri-am và A-rôn thì hậu quả sẽ rất to lớn, có thể đưa đến chống đối và hỗn loạn trong dân chúng. 
Hơn nữa, Mi-ri-am và A-rôn là người ở gần Môi-se hơn cả, họ biết Chúa đã chọn và gọi Môi-se, biết những khó khăn và thách thức ông phải chịu đựng để hoàn thành sứ mạng Chúa giao.  Biết tất cả những điều đó mà họ không nâng đỡ Môi-se lại muốn làm cho công tác Chúa giao cho ông trở thành khó khăn, nặng nề hơn.  Chính vì những lý do đó mà Chúa đã bày tỏ phản ứng cách mạnh mẽ và nhanh chóng.  Nếu chúng ta là những nhân sự trong hội thánh, biết rõ những gánh nặng và nỗi khó nhọc của người hầu việc Chúa mà chúng ta không hỗ trợ, nâng đỡ, lại còn nói xấu, nói hành để gây khó khăn hơn, Chúa chắc sẽ sửa phạt chúng ta để việc làm và lời nói của chúng ta không gây ảnh hưởng tai hại cho hội thánh của Ngài.  Sứ đồ Gia-cơ cảnh cáo rằng “những người làm thầy sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn” (Gia-cơ 3:1), đây là điều đã xảy ra cho Mi-ri-am.  Khi nghe lời phàn nàn của Mi-ri-am, Đức Chúa Trời đã phản ứng cách mạnh mẽ vì Ngài nhìn thấy tấm lòng và ý tưởng không đẹp của bà đối với tôi tớ trung thành của Ngài.  Chúa đã bênh vực Môi-se, gọi ông là tôi tớ trung tín của Ngài và phạt Mi-ri-am với một hình phạt khiến bà phải xấu hổ với mọi người.
Kinh Thánh cho biết, khi A-rôn thấy chị của ông bị phung trắng cả người thì thương xót và sợ hãi, ông kêu cứu với Môi-se và nói: “Ôi, lạy chúa tôi, xin chớ để trên chúng tôi tội mà chúng tôi đã dại phạm và đã mắc lấy. Xin chớ để nàng như một đứa con sảo thịt đã hư hết phân nửa khi lọt ra khỏi lòng mẹ.”  Môi-se thật là người khiêm hòa và nhân từ.  Dù chị của ông đã nói xấu và làm tổn thương ông nhưng ông vẫn yêu thương chị.  Khi A-rôn năn nỉ, Môi-se đã hết lòng kêu cầu với Chúa.  Kinh Thánh ghi rằng, “Môi-se bèn kêu van cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ôi, Đức Chúa Trời, tôi cầu khẩn Ngài chữa cho nàng” (Dân số ký 12:13).  Lời cầu xin tha thiết của Môi-se nói lên lòng thương yêu chân thành của ông đối với Mi-ri-am.  Đức Chúa Trời đã đoái nghe và nhậm lời Môi-se cầu xin nhưng Chúa đáp cùng Môi-se rằng: Nếu cha nàng nhổ trên mặt nàng, nàng há không mang hổ trong bảy ngày sao?  Nàng phải cầm riêng ngoài trại quân trong bảy ngày, rồi sau sẽ được nhận vào lại” (Dân số ký 12:14). 
Đức Chúa Trời tha thứ cho Mi-ri-am nhưng bà phải chấp nhận hậu quả lỗi lầm của mình, bà phải chịu bệnh phung trong một tuần lễ và phải cách ly với mọi người trong suốt thời gian đó.  Đây cũng là hình phạt Chúa dùng để cảnh cáo con dân Ngài.  Sau này, khi từ biệt dân chúng và nhắc lại những luật lệ của Chúa, Môi-se đã nhắc lại việc Mi-ri-am bị phung như sau: “Hãy coi chừng tai vạ bệnh phung, để gìn giữ làm theo mọi điều mà thầy tế lễ về dòng Lê-vi sẽ giảng dạy các ngươi; các ngươi phải coi chừng mà làm y như ta đã dặn biểu những thầy tế lễ.  Hãy nhớ lại điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã làm cho Mi-ri-am dọc đường, khi các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô” (Phục truyền 24:8, 9).  Dân số ký chương 12 cho biết, “Mi-ri-am bị cầm riêng ngoài trại quân trong bảy ngày, dân sự không ra đi cho đến chừng nào Mi-ri-am được nhận vào lại” (c. 15).  Trong thời gian bị bệnh, Mi-ri-am phải ở bên ngoài trại của dân chúng, cách ly mọi người.  Chúng ta không rõ điều gì xảy ra cho Mi-ri-am trong thời gian này nhưng có lẽ bà đã có thì giờ để suy nghĩ về hành động sai quấy của mình và ăn năn hối lỗi.
     Trong tuần lễ Mi-ri-am bị phạt, đoàn người Do Thái phải ngưng cuộc hành trình, chờ khi Mi-ri-am được sạch phung và được hội nhập lại với  cộng đồng, con dân Chúa mới tiếp tục đi.  Có lẽ Mi-ri-am đã buồn và ân hận nhiều khi thấy vì bà mà hành trình của con dân Chúa bị chậm lại một tuần lễ.  Từ đó trở đi, Kinh Thánh không nhắc đến công việc hay vai trò của Mi-ri-am trong hành trình của con dân Chúa, cũng không thấy nói đến ơn nói tiên tri hay việc bà hướng dẫn các phụ nữ ca hát thờ phượng Chúa.  Có lẽ bà đã bị Chúa cất đi những đặc ân và chức vụ đó, vì dù hành trình vào đất hứa của con dân Chúa còn dài, chúng ta không thấy bà Mi-ri-am được nhắc đến, ngoại trừ lúc bà qua đời.
Dân số ký 20:1 ghi về cái chết của Mi-ri-am cách vắn tắt như sau: “Tháng Giêng, cả hội dân Y-sơ-ra-ên tới đồng vắng Xin và dừng lại tại Ca-đe.  Mi-ri-am qua đời và được chôn tại đó.”  Kinh Thánh không cho biết dân chúng đã làm tang lễ cho Mi-ri-am như thế nào và có thương khóc bà nhiều ngày hay không.  Chúng ta cũng không rõ Mi-ri-am hưởng thọ được bao nhiêu tuổi.  Chỉ có một phụ nữ duy nhất trong Kinh Thánh được ghi số tuổi thọ, là Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham. 
Cuộc đời của Mi-ri-am đã kết thúc một cách đau buồn.  Bà là người chứng kiến sự giải cứu lạ lùng Chúa dành cho Môi-se khi ông là một em bé.  Bà cũng biết rõ Môi-se được Chúa chuẩn bị trong cung điện Ai cập suốt bốn mươi năm, và Mi-ri-am cũng có mặt khi Đức Chúa Trời dùng bao nhiêu phép lạ để giải cứu và dẫn dắt con dân Ngài, tại Ai cập cũng như trong đồng vắng.  Bây giờ, đến giai đoạn cuối cùng, khi con dân Chúa sắp được vào đất hứa Ca-na-an thì Mi-ri-am qua đời.  Thật ra, không chỉ một mình Mi-ri-am nhưng cả A-rôn lẫn Môi-se đều không được vào đất hứa.  Mi-ri-am chết khi đoàn người Do Thái đến Ca-đe, trong đồng vắng Xin.  Sau đó, khi dân chúng đi từ Ca-đe đến núi Hô-rơ thì A-rôn qua đời.  Đức Chúa Trời cho biết A-rôn không được vào đất hứa vì ông đã không vâng theo mạng lệnh của Chúa tại Mê-ri-ba (Xuất 20:22-29). Môi-se cũng không được vào đất hứa cũng vì điều ông đã làm tại Mê-ri-ba (Dân số ký 20:2-13).
Chúng ta học được điều gì qua những chi tiết Kinh Thánh ghi về bà Mi-ri-am?  Cuộc đời bà Mi-ri-am bắt đầu với những điều tốt đẹp:  bà là một cô bé khôn ngoan, trưởng thành.  Tuy lúc Môi-se sinh ra Mi-ri-am chỉ mới khoảng 7, 8 tuổi (như một số nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho biết), nhưng cô được mẹ tin cậy, giao cho trông chừng em bên bờ sông.  Mi-ri-am được Chúa dùng trong hoàn cảnh đặc biệt đó, và nàng đã làm trọn trách nhiệm mẹ giao cho một cách tốt đẹp.  Sau đó, trong thời gian dài đầy gian nan mà Môi-se và A-rôn lãnh đạo con dân Chúa trong đồng vắng, Mi-ri-am đã có mặt để nâng đỡ và chia xẻ gánh nặng với hai người em.  Bà cũng được Chúa ban cho những ân tứ đặc biệt để hầu việc Ngài: Bà được làm nữ tiên tri, viết những bài hát ca ngợi Chúa và hướng dẫn các phụ nữ trong việc thờ phượng Chúa.  Nhưng tiếc thay, đến cuối cuộc đời, vì lòng tự tôn và ganh tị, Mi-ri-am đã thất bại.  Mi-ri-am được Chúa ban ơn và sử dụng, nhưng bà không bằng lòng với chỗ đứng của mình, bà muôán được tôn trọng hơn, có nhiều thẩm quyền hơn; bà muốn Chúa người khác có.  Mi-ri-am đã ganh tị với người em khiêm nhường mà Chúa đã chọn và kêu gọi.  Vì ganh tị và nói hành Môi-se, người của Đức Chúa Trời, bà đã bị Chúa loại bỏ.  Bà bị bệnh phung là bệnh tượng trưng cho ô uế và sự rủa sả của Đức Chúa Trời.
Điều xảy ra cho Mi-ri-am cho thấy khi chúng ta không chấp nhận và không bằng lòng với những ân tứ Chúa ban cho mình là chúng ta có thể đi đến chỗ nguy hiểm, làm hỏng những ơn phước và ân tứ Chúa ban cho chúng ta.  Ganh tị với những ân tứ, ơn phước hay chức vụ Chúa ban cho người khác cũng là khởi đầu của thất bại.  Lời Chúa cảnh cáo thật mạnh mẽ:  “Kiêu ngạo đi trước, bại hoại theo sau, và tính tự cao đi trước sự sa ngã” (Châm Ngôn 16:18).  Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nhắc nhở:  “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (I Phi-e-rơ 5:5b).  Nguyện xin Chúa giúp chúng ta hầu việc Chúa với tâm tình khiêm nhường, không so sánh hay ganh tị với người khác nhưng trung tín sử dụng những ân tứ Chúa ban cho chúng ta.
Minh Nguyên

Related Posts

0 nhận xét