Bài6 Những Điều Chúa Jêsus Làm Với Thất Bại



Những Điều Chúa Jêsus Làm Với Thất Bại
          Giăng 21

            Chúng ta hãy bắt đầu với bài thơ có đề tựa “Khi Đức Chúa Trời phán “nếu””, bài thơ nầy giúp đề ra bối cảnh:
Nếu ngươi không cảm thấy đau đớn,
Làm sao ngươi biết ta là Đấng Chữa Lành?
Nếu ngươi chưa trải nghiệm khó khăn,
Làm sao ngươi biết ta là Đấng Cứu Tinh?
Nếu ngươi chưa hề gặp thử thách,
Làm sao ngươi dám cho mình là kẻ đắc thắng?
Nếu ngươi chưa cảm thấy buồn rầu,
Làm sao ngươi biết ta là Đấng Yên Ủi?
Nếu ngươi chưa hề phạm sai lầm,
Làm sao ngươi biết ta đang tha thứ?
Nếu ngươi chưa lâm cảnh rối ren,
Làm sao ngươi biết ta sẽ đến đặng cứu ngươi?
Nếu ngươi chưa từng tan vỡ,
Làm sao ngươi biết ta khiến ngươi được lành?
Nếu ngươi chẳng có nan đề,
Làm sao ngươi biết ta sẽ giải quyết chúng?
Nếu ngươi chưa biết đau khổ,
Làm sao ngươi biết ta đã từng trải?
Nếu ngươi chưa kinh qua lửa ngọn,
Làm sao ngươi biết mình được luyện sạch?
Nếu ta ban cho ngươi mọi sự,
Ngươi thưởng thức chúng thể nào?
Nếu ta chưa chỉnh sửa ngươi,
Làm sao ngươi biết ta yêu ngươi?
Nếu ngươi có mọi phép quyền,
Thì hà tất gì ngươi học nương cậy nơi ta mà chi?
Nếu đời sống ngươi là trọn vẹn,
Thì hà tất gì ngươi còn cần đến ta?
Hãy dừng lại,
suy nghĩ dòng cuối ấy trong một phút xem:
Nếu đời sống  ngươi là trọn vẹn,
Thì hà tất gì ngươi còn cần đến ta?
            Đây là một bài giảng nói tới sự thất bại gây sốc đến nỗi chúng ta vẫn còn nhắc tới nó 2000 năm sau. Thực sự là có hai phần trong câu chuyện của Phierơ – ba lần chối Chúa của ông trong đêm Chúa Jêsus bị nộp và thể nào Đấng Christ đã tha thứ và phục hồi cho ông. Phần thứ nhứt hoàn toàn nhắm vào Phierơ, phần thứ hai nhắm vào Chúa Jêsus.
            Phierơ đã rơi vào chính thất bại của ông.
            Đấng Christ nắm quyền phục hồi cho ông.
            Ở đàng sau câu chuyện nầy là một lẽ thật kỳ diệu, có tính giải phóng, tràn trề hy vọng: Thất bại là một sự cố, chớ không phải là một số phận. Đây là những tin tức tốt lành vì hết thảy chúng ta chẳng chóng thì chày sẽ thất bại, và nếu chúng ta thành thực, hết thảy chúng ta sẽ thất bại thật nhiều lần. Như câu chuyện của Phierơ minh chứng thật dồi dào, thất bại ban đầu của chúng ta không gây hủy hoại chúng ta. Những gì xảy ra kế đó mới là vấn đề.
            Thất bại không có nghĩa là bạn bỏ đi hết mọi sự. Thất bại có nghĩa là bạn đang có một số bài học khó cần phải tiếp thu.
            Thất bại không có nghĩa bạn là một người thua cuộc cho đến vĩnh viễn đâu. Thất bại có nghĩa là bạn không lanh lợi theo như bạn nghĩ mình lanh lợi. Thất bại không có nghĩa là bạn đã chịu thua. Thất bại có nghĩa là bạn cần đến Chúa chỉ cho bạn bước kế tiếp kìa.
            Thất bại không có nghĩa là Đức Chúa Trời đã từ bỏ bạn. Thất bại có ý nói: Đức Chúa Trời có một chương trình tốt đẹp hơn.
            Chỉ có người nào từng thất bại mới thực sự muốn thưởng thức câu chuyện nầy. Nếu bạn chỉ thất bại trong những việc nhỏ, thế thì bạn đừng quá xúc động nhé. Nhưng nếu bạn nhìn biết nổi xấu hổ của một thất bại to lớn, thế thì hãy lắng nghe đi. Câu chuyện nầy dành cho bạn đấy.
            Khi chúng ta thất bại, đặc biệt khi chúng ta đã làm buồn lòng những người mà chúng ta yêu thương nhiều nhất, tâm trí của chúng ta trở thành cơn lốc xoáy mọi cảm xúc – Bối rối . . . Giận dữ . . .  Sợ hãi . . .  Xấu hổ . . . Thất vọng. Chúng ta cảm thấy mình bẩn thỉu, không xứng đáng vì chúng ta đã hành động thật dại dột. Khi chúng ta làm tổn thương ai đó cách sâu sắc, chúng ta muốn biết họ có yêu thương chúng ta hay không hoặc chúng ta sẽ buông xuôi hết mọi sự?

Chỉ có người nào từng thất bại mới thực sự muốn thưởng thức câu chuyện nầy.

            Liệu họ có chịu tha thứ cho tôi không?
            Hay tôi có thể tha thứ cho họ không?
            Phierơ không bao giờ quên những gì đã xảy ra khi ông chối bỏ Đấng Christ. Bao lâu ông còn sống, ông không bao giờ quên cái đêm khủng khiếp đó. Truyền khẩu cho biết rằng ông đã cất tiếng lên bật khóc bất cứ lúc nào ông nghe thấy tiếng gà gáy. Truyền khẩu cũng cho biết rằng ông sẽ thức giấc mỗi tối rồi cầu nguyện nhằm vào giờ giấc mà ông đã chối Chúa.
            Chúa Jêsus đã phục hồi người môn đồ sa ngã nầy như thế nào?  Câu trả lời đến qua 5 chặng đường.
I. Ngài cho đòi ông.
            Khi mấy người đàn bà ra đến mộ lúc sáng sớm vào ngày Chúa nhật, một thiên sứ rao báo những tin tức tốt lành rồi bảo họ phải “đi nói cho các môn đồ Ngài và cho Phi-e-rơ” (Mác 16:7). “Các môn đồ Ngài và cho Phierơ”, cụm từ nầy có nghĩa gì? Sự chối bỏ của Phierơ đã làm cho ông phải tẻ tách ra khỏi đối với các môn đồ khác. Chắc chắn là ông đã lấy làm lạ ở trong lòng rất nhiều lần: "Giờ đây tôi là gì chứ? Có phải tôi là kẻ phản bội hay tôi là một môn đồ?”
            Phierơ đã thất bại trên Phòng Cao kia, song Chúa Jêsus đã sai đòi ông.  Chỉ mấy tiếng đồng hồ trước đó, Phierơ đã nói: “Chúa sẽ chẳng rửa chân tôi bao giờ!” (Giăng 13:8). Và rồi sau đó, ông đã khoe khoang về lòng dũng cảm của mình. Ông khoe rằng nếu ai đó từ bỏ Chúa Jêsus, ông sẽ chẳng hề từ bỏ Ngài. Ông quả là mạnh mẽ lắm. Dưới áp lực, vị sứ đồ dũng cảm đã trở thành một miếng bơ.
            Phierơ đã thất bại với Manchu, song Chúa đã sai đòi ông. Phierơ nói rất giỏi, song nổ lực hư không của ông hòng bảo vệ Chúa Jêsus đã chẳng được chi hết. Chúa Jêsus phán: “Hãy tra gươm vào vỏ đi. Việc nầy tất phải xảy đến”.
            Phierơ đã thất bại ở trong cái sân kia, song Chúa Jêsus đã sai đòi ông. “Có phải ngươi là một người trong bọn đã ở cùng gã Jêsus kia không?” “Jêsus ư! Ta chẳng biết người”. “Ta há chẳng thấy ngươi ở với các môn đồ của hắn sao?” “Ta chẳng biết ngươi nói gì”. “Có phải ngươi là môn đồ Jêsus người Naxarét?” Ông bắt đầu thề thốt y như gã ngư phủ có thể thề thốt vậy: “Ta nói cho ngươi biết, ta chẳng biết người ấy”. Ở đâu đó xa xa, con gà trống cất tiếng lên gáy. Nhiều giờ phút sau đó, Chúa Jêsus bị giải đi chịu xét xử dưới tay thầy cả thượng phẩm Caiphe. Luca 22:61 chép rằng Chúa xây lại ngó Phierơ. Đấy là lúc cái chạm đầy đủ của tội lỗi đụng đến ông. Nhìn biết mọi điều mà mình đã làm, Phierơ bước ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
            Sau hết mọi sự, Đấng Christ phục sinh sai đòi ông! Ngài chẳng ghi nhận Phierơ như thất bại thường trực. Ngài không kể ông trong phạm trù “thua cuộc lớn lao nhất”. Chúa Jêsus vẫn có nhiều chương trình cho Phierơ, những chương trình cung ứng cho ông niềm hy vọng và tương lai, những chương trình cung ứng cho ông cơ hội thứ nhì.
II. Ngài gặp gỡ ông.
            Phierơ đã đi đâu sau khi ông chối bỏ Đấng Christ? Câu trả lời là, chúng ta không biết chắc vì Kinh thánh không nói. Nhưng chúng ta có thể phỏng đoán rằng Phierơ đã làm những gì hầu hết chúng ta đều làm khi thời gian trôi qua. Khi chúng ta phạm vào một lỗi lớn, việc sau cùng chúng ta muốn là có nhiều người khác vây quanh, đặc biệt là những người biết rõ chúng ta và yêu mến chúng ta nhiều nhất. Sau khi lẫn đi rồi, chúng ta không muốn gặp mặt họ. Tội lỗi làm phân cách chúng ta ra khỏi Đức Chúa Trời và ra khỏi dân sự của Đức Chúa Trời. Tội lỗi cô lập chúng ta hầu cho ma quỉ có thể thuyết phục rằng, sau khi đã phạm một lỗi dại dột như thế, không một ai muốn có mặt ở chung quanh chúng ta nữa. Vì vậy, chúng ta để cho thì giờ trôi qua biệt giam trong một nhà tù tự áp đặt.

Tội lỗi làm phân cách chúng ta ra khỏi Đức Chúa Trời và ra khỏi dân sự của Đức Chúa Trời.

            Tôi nghĩ đấy là những gì đã xảy ra cho Phierơ trong ngày cuối tuần đó. Bất cứ là ông ở đâu, ông đã cảm thấy rất cô đơn trong thế gian. Việc sau cùng chúng ta được thuật cho biết, ấy là sau khi Chúa Jêsus ngó thẳng ông, Phierơ đã khóc lóc thật thảm thiết. Kinh thánh không cho chúng ta biết Phierơ đã ở đâu trong khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá vào ngày thứ Sáu hay vào buổi xế chiều lo chôn cất kia. Chúng ta có thể đoán rằng ông lui về một nơi kín đáo nào đó, ở nơi ấy nhớ lại những khoảnh khắc khủng khiếp trong lý trí rồi tự hành hạ mình nhiều lần và thắc mắc: “Tại sao chứ? Tại sao mình lại làm như vậy? Cái gì đã khiến mình nghĩ mình tốt đẹp hơn nhiều người khác chứ? Sao mình dại dột đến thế chứ?” và: “Chúa Jêsus nghĩ gì về mình lúc bây giờ?”
            Chúng ta tìm gặp câu trả lời cho câu hỏi sau cùng đó ở chỗ Chúa Jêsus đặc biệt đã hiện ra cùng Phierơ lúc nào đó vào ngày Chúa nhật Phục sinh. Chúng ta không biết nơi nào hay lúc nào, chúng ta cũng không rõ cuộc gặp gỡ ấy kéo dài bao lâu. Song hai lần Tân Ước nhắc nhở rằng cuộc gặp đã diễn ra:
            “Chúa thật đã sống lại, và hiện ra với Si-môn” (Luca 24:34).
            “Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh; và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ đồ” (I Côrinhtô 15:4-5).
            Đặc biệt là tôi thấy phấn khởi ở chỗ Chúa Jêsus đã gặp gỡ Phierơ trước khi Ngài gặp gỡ với phần còn lại các môn đồ. Bạn há chẳng vui sướng về sự ấy sao? Không những Chúa Jêsus cho sai đòi Phierơ. Mà Ngài còn đi gặp ông trước khi ông gặp gỡ nhiều người khác.
            Đúng là ân điển lạ lùng. Sẽ chẳng có sự sỉ nhục công khai nào hết.  Kể từ khi Phierơ chối bỏ Đấng Christ, có nhiều việc phải được định liệu giữa hai người. Với sự khôn ngoan và ân điển, Đấng Christ dõi theo Phierơ và không đợi để ông phải hành động trước.
III. Ngài thách thức ông.    
            Giờ đây, chúng ta đến với Giăng 21. Lúc ấy là buổi chiều trên Biển Galilê, không lâu sau khi Chúa Phục Sinh. Phierơ và sáu môn đồ khác đã đánh cá thâu đêm mà chẳng bắt được gì hết. Đến sáng, có một người gọi từ trên bờ, bảo họ phải thả lưới bên kia thuyền thì họ sẽ bắt được nhiều cá. Họ bắt được thật nhiều cá, họ không thể gom hết vào lưới vì có quá nhiều cá. Khi ông nhìn biết người ấy là Chúa Jêsus, Phierơ liền nhảy xuống nước rồi bắt đầu lội vào bờ. Mẻ lưới cho thấy Phierơ và các môn đồ kia đã bắt được 153 con cá bằng cách vâng theo Lời của Đấng Christ.

Với sự khôn ngoan và ân điển, Đấng Christ dõi theo Phierơ và không đợi để ông phải hành động trước.

            Nếu Đấng Christ đứng quan sát các môn đồ từ trên bờ suốt cả đêm, tại sao Ngài không lên tiếng sớm hơn? Tại sao lại để cho người của Ngài phải nhọc mệt nhiều giờ trong thất bại? Câu trả lời là, họ cần phải thất bại. Thất bại trong trường hợp nầy là điều kiện tiên quyết cần thiết để đến với thành công vĩnh viễn. Nếu nhân vật không nhận dạng được đã lên tiếng sớm hơn, nhất định họ sẽ từ chối lời khuyên của Ngài. “Ông mà biết gì chứ? Chúng tôi là ngư phủ chuyên nghiệp đây. Chúng tôi biết chỗ để tìm cá đấy. Chúng tôi đã đánh bắt nhiều giờ trong biển nầy”. Nhưng để cho đêm trôi qua và mặt trời ló dạng, sau cùng họ đã sẵn sàng lắng nghe tiếng của Chúa. Cũng một thể ấy với hết thảy chúng ta. Chúa để cho chúng ta thất bại với sức riêng của mình hầu cho chúng ta có thể học được rằng chỉ bởi quyền phép của Ngài thì chúng ta mới mong được thành công. Nhà sáng lập công ty Microsoft Bill Gates đã nói: “Thành công là vị giáo sư bần tiện. Nó khiến cho hạng người thông minh nghĩ rằng họ không thể thua cuộc”. Các môn đồ cần phải thất bại để họ có thể học biết nương cậy vào Đấng Christ để có được những lần đắc thắng. Đôi khi phải nhận lấy thất bại đáng xấu hổ về phần chúng ta để rồi sau cùng chỗi dậy và nhìn thấy nhu cần của mình về Đấng Christ.
            Khi chúng ta đọc Giăng 21:1-14, chúng ta nên kết nối phân đoạn ấy trong trí với Luca 5:1-11, ở đây Chúa Jêsus bảo Phierơ phải ra chỗ sâu mà bỏ lưới để có được mẻ cá lớn. Bất chấp mọi hồ nghi của mình, Phierơ làm theo mạng lịnh của Đấng Christ rồi kết cuộc đã có mẻ lưới thật nhiều cá, chúng chất đầy cả hai chiếc thuyền. Vì vậy, giờ đây chúng ta đã có đủ sự việc rồi. Thắc mắc cũng như cũ cho cả hai trường hợp: “Nầy Phierơ, ngươi sẽ vâng theo Ta hay là bỏ qua?”
            Cũng chính câu hỏi ấy, Chúa đang hỏi chúng ta mỗi ngày. Liệu chúng ta có vâng theo dù chúng ta nghĩ chúng ta có phương thức tốt hơn? Liệu chúng ta có vâng theo dù con đường ở trước mặt dường như là không rõ rệt lắm? Liệu chúng ta có vâng theo khi bản năng của chúng ta bảo chúng ta phải làm theo một hướng khác? Liệu chúng ta có vâng theo khi chúng ta đã thất bại vì ý riêng mình?
IV. Ngài phục hồi ông.
            Sau bữa điểm tâm, Phierơ và Chúa Jêsus cùng đi bách bộ với nhau. Đây là chi tiết câu chuyện mà hầu hết chúng ta đều biết rõ.
            “Khi ăn rồi, Đức Chúa Jêsus phán cùng Si-môn Phi-e-rơ rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng? Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn những chiên con ta. Ngài lại phán lần thứ hai cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta. Ngài phán cùng người đến lần thứ ba rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi-e-rơ buồn rầu vì Ngài phán cùng mình đến ba lần: Ngươi yêu ta chăng? Người bèn thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta” (Giăng 21:15-17).
            Phierơ và Chúa Jêsus đã có cuộc trao đổi nầy quanh ngọn lửa than (câu 9). Từ ngữ Hylạp đặc biệt nói tới “lửa than” được sử dụng chỉ có một chỗ trong Tân Ước, ở Giăng 18:18 đề cập tới lửa than trong cái sân kia, nơi Phierơ đã chối Chúa.

Chúa để cho chúng ta thất bại với sức riêng của mình hầu cho chúng ta có thể học được rằng chỉ bởi quyền phép của Ngài thì chúng ta mới mong được thành công.

            Bên ngọn lửa nầy, ông nói: “Ta chẳng biết người”.
            Bên ngọn lửa kia, ông nói: “Lạy Chúa, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa”.
            Bên ngọn lửa than nầy, ông đã chối bỏ Đấng Christ.
            Bên ngọn lửa than kia, ông được Đấng Christ phục hồi.

            Vài thắc mắc đến trong trí khi chúng ta đọc phân đoạn Kinh thánh nầy. Tại sao Chúa Jêsus hỏi Phierơ ba lần: “Ngươi yêu ta chăng?” Đáp: Vì Phierơ đã chối Ngài ba lần. Tại sao Ngài hỏi công khai như vậy chứ? Vì Phierơ đã công khai chối Ngài. Các môn đồ khác cần phải nghe Phierơ cách công khai tuyên bố tình cảm của ông dành cho Đấng Christ. Không nghe thấy mấy lời lẽ nầy, nhiều nổi hồ nghi sẽ bám chặt lấy cho đến đời đời.
            Con người đã từng khoe khoang, luôn dám chắc ở trong lòng, tin tưởng lòng can đảm riêng của mình, giờ đây đã biết hạ mình xuống. Câu hỏi thứ nhứt của Chúa Jêsus: "Ngươi yêu ta hơn những kẻ nầy chăng?" – là một sự nhắc nhớ rất tinh tế về tánh khoe khoang trước đây là trung thành hơn bao người khác. Trong lời đáp của mình, Phierơ tuyên bố tình cảm của ông dành cho Đấng Christ, nhưng ông từ chối không tự sánh mình với ai khác. Điều nầy vốn đau đớn lắm, song lại tuyệt đối cần thiết. Chúa Jêsus đang tẩy rửa vết thương hầu cho nó được lành một cách thích ứng. Ngài lột bỏ lỗi lầm và nổi xấu hổ của Phierơ bằng cách xử lý lỗi lầm ấy cách công khai.
            Hãy xét xem điều chi Đấng Christ không làm. Ngài không cố gắng làm cho Phierơ thấy ông phạm lỗi. Ngài không sỉ nhục cách công khai. Ngài không hỏi ông: “Ngươi có tiếc về những gì ngươi đã làm không?” Ngài không khiến ông phải hứa sống tốt hơn. Ngài chỉ hỏi một câu: “Ngươi yêu ta chăng?”
            Chúng ta từng gây tổn thương cho ai đó chúng ta yêu mến, thật là khó gặp tận mặt họ và khó hơn nữa là khi bị thắc mắc về sự cam kết thực của chúng ta. “Sao ngươi đã làm việc ấy? Ngươi đang nghĩ gì thế? Có phải ngươi yêu ta chăng?” Nhưng có nhiều thắc mắc phải được đưa ra và nhiều câu trả lời phải được trình làng. Và chúng phải được lặp đi lặp lại nếu sự thực được tường thuật cách đầy đủ.

            Chúng ta từng gây tổn thương cho ai đó chúng ta yêu mến, thật là khó gặp tận mặt họ và khó hơn nữa là khi bị thắc mắc về sự cam kết thực của chúng ta.

            Phierơ cần phải nhìn thấy tầm cỡ của tội lỗi mình, và ông cần phải nghe Chúa Jêsus hỏi loại câu hỏi được lặp đi lặp lại như thế nầy. Chỉ khi ấy ông mới nắm bắt được tầm quan trọng ơn tha thứ của Đấng Christ. Chỉ khi ấy ông mới thực sự được phục hồi. Không có đau đớn, ông sẽ không thấy khá hơn. Cách đây nhiều năm, một người bạn đến chia sẻ tư tưởng nầy với tôi: “Sự thực sẽ buông tha cho anh, song nó sẽ gây tổn thương cho anh trước tiên”. Thường thì chúng ta chẳng thấy khá hơn vì chúng ta không muốn đối mặt với sự thực khó chịu kia về mọi điều chúng ta đã nói và đã làm. Nhưng cho tới chừng nào chúng ta đối mặt với sự thực về bản thân mình, chúng ta có thể không bao giờ thấy thoải mái được.
            Có ba đức tính dành cho những ai muốn hầu việc Chúa:
            Thứ nhứt là tình yêu thương.
            Thứ hai là tình yêu thương.
            Thứ ba là tình yêu thương.
            Trước tiên chúng ta yêu, kế đó chúng ta phục vụ.
            Trước tiên chúng ta yêu, kế đó chúng ta rao giảngï.
            Trước tiên chúng ta yêu, kế đó chúng ta lãnh đạo.
            Khi Đấng Christ đưa ra câu hỏi lần thứ ba, tấm lòng của Phierơ như quặn đi và ông thổn thức: “Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc”. Với lời lẽ đó, Phierơ đoạn tuyệt với mọi sự tự tín của ông. Trong cái đêm định mệnh ấy trên Phòng Cao, ông tưởng ông biết rõ bản thân mình, song không phải như vậy. Giờ đây, ông không dám chắc. Thậm chí ông không dám tin vào chính tấm lòng của mình nữa; thay vì thế, ông tin cậy nơi Chúa là Đấng biết rõ mọi sự. Đây là một bước tới mạnh mẽ trong sự tấn tới Cơ đốc. Đến tận chỗ mà ở đó bạn thốt ra với sự tin chắc: “Lòng tin cậy của tôi đặt nơi chỉ một mình Chúa” là một sự tiến bộ rất lớn. Có khi chúng ta phải đụng tới tận đáy và đụng mạnh vào nó trước khi chúng ta có thể thốt ra lời lẽ kia.
            Nó có hiệu quả không? Có phải cuộc giải phẩu đau đớn tạo ra sự chữa lành đáng mong ước? Phải. Phierơ không còn chối Đấng Christ nữa. Và đúng mấy ngày sau đó, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, được phục hồi trọn vẹn rồi, ông đã đứng tại hành lang đền thờ rồi rao ra một bài giảng Tin Lành thật lạnh mẽ cho chính những người đã đóng đinh Chúa trên thập tự giá (Công Vụ các Sứ Đồ 2:14-40). Ba ngàn người được cứu trong ngày ấy.

Có ba đức tính dành cho những ai muốn hầu việc Chúa: Thứ nhứt là tình yêu thương. Thứ hai là tình yêu thương. Thứ ba là tình yêu thương.

             Phierơ cũ kỹ kia đã qua đi từ lâu rồi. Một người mới chào đời khi Chúa Jêsus phục hồi cho môn đệ sa ngã của Ngài.
V. Ngài tái tuyển ông.
            Truyền khẩu của Hội thánh đầu tiên cho biết rằng Phierơ đã bị đóng đinh ngược đầu ở Rome vì ông nói rằng ông không đáng bị đóng đinh theo cùng một kiểu với Chúa của ông. Vấn đề đáng chú ý là Chúa Jêsus cắt lớp phần đời còn lại của Phierơ rồi tập trung duy nhứt vào cách thức ông sẽ chết mà thôi (Giăng 21:18-19). Mặc dù ông đã thất bại trong quá khứ, đến cuối cùng ông chịu làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời trong cái chết của ông. Trên Phòng Cao kia, Phierơ đã hô hào tự phụ đi theo Đấng Christ đồng tù và đồng chết (Luca 22:33). Sự việc cho thấy giống như thể Chúa Jêsus nói với ông: “Ngươi nói đúng về việc ấy, còn đúng hơn ngươi biết nữa. Một ngày kia, ngươi sẽ có cơ hội giữ lấy lời hứa của ngươi. Và ta biết rõ, trong ngày ấy ngươi sẽ chẳng thất bại đâu”. Các sử gia đầu tiên cho chúng ta biết rằng Phierơ đã sống và đã chết trung tín với Chúa Jêsus cho đến cuối cùng.
            Vì vậy, chúng ta đến với phần cuối của sứ điệp. Đấng Christ làm gì với thất bại? Ngài chuộc lấy nó!

Đức Chúa Trời có quyền quên quá khứ của chúng ta. Tại sao chúng ta không thể? Ngài quăng tội lỗi của chúng ta xuống những chỗ sâu thẳm của đại dương rồi cắm một tấm biển trên bờ có ghi câu: ‘Cấm Câu Cá’ (Erwin Lutzer).

            Phierơ mãi là một nhân vật rất có ích cho chúng ta. Chúng ta không thể tiếp thu đủ về ông. Chúng ta biết rõ ông vì chúng ta gặp gỡ ông mỗi sáng khi chúng ta nhìn vào tấm gương. Chúng ta yêu mến Phierơ vì chúng ta có thể nhìn thấy bản thân mình trong câu chuyện nói về ông. Thực vậy, câu chuyện của ông là câu chuyện của chúng ta. Đối với hết thảy chúng ta, tiến trình tấn tới Cơ đốc thật là dài và đầy đau đớn, với thật nhiều thăng trầm. Phierơ “hòn đá” lại thường không giống như đá. Câu chuyện cho thấy hết thất bại nầy đến thất bại khác hầu tạo ra tính chất cứng như đá nơi ông. Nhưng Chúa Jêsus không hề từ bỏ người của mình.

Chúng ta yêu mến Phierơ vì chúng ta có thể nhìn thấy bản thân mình trong câu chuyện nói về ông.

            Đây là nổi trớ trêu cuối cùng. Từ đầu cho đến cuối, Chúa Jêsus đã tin nơi Phierơ nhiều hơn là Phierơ tin nơi bản thân mình.
            Cũng sẽ như thế ấy đối với hết thảy chúng ta.

“Nếu đời sống  ngươi là trọn vẹn,
Thì hà tất gì ngươi còn cần đến ta?”

            Vị anh hùng thực sự trong câu chuyện của Phierơ không phải là Phierơ.
            Vị anh hùng thực sự chính là Chúa Jêsus.
            Đấy là lý do tại sao Giăng 21 có mặt trong quyển Kinh thánh, hầu cho ai nấy trong chúng ta có phong cách Phierơ sẽ nhìn biết rằng mặc dù chúng ta cứ sa ngã hoài, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể chỗi dậy và tiến tới.
            Đúng là ơn thương xót!
            Đúng là ân điển!
            Nếu Ngài đã đối xử như thế với Phierơ, Ngài có thể đối xử như thế với bạn và tôi. 
            Có lẽ bạn đã nghe kể rằng trên cánh cổng của thiên đàng có treo một tấm biển ghi là: “Chỉ Dành Cho Hạng Tội Nhân Mà Thôi”. Tất nhiên, đó là một huyền thoại, vì Kinh thánh chẳng nói gì về một tấm biển như thế, song nó hoàn toàn đáng thưởng thức. Và trong sự tưởng tượng của tôi, tôi phác họa một tấm biển khác, ở bên trong cánh cổng, có ghi là: “Chỉ Bởi Ân Điển Mà Thôi”. Hai câu nói ấy cho chúng ta biết ai được vào trong thiên đàng:

“Chỉ Dành Cho Hạng Tội Nhân Mà Thôi”.
“Chỉ Bởi Ân Điển Mà Thôi”.

            Và, sau cùng, có huyền thoại đáng nhớ cho rằng Phierơ sẽ đón chúng ta nơi hai cánh cổng của thiên đàng. Trong khi chẳng có minh chứng nào trong Kinh thánh về sự ấy, nhưng rất xứng đáng cho Phierơ phải có mặt ở đó vì ông hiểu rõ hơn ai hết hai câu kia thực sự muốn nói tới điều gì!!!




Related Posts

0 nhận xét